Chính trị

Nhân sự Đại hội XIII: "Trường hợp đặc biệt" là cần thiết

16/01/2021, 15:15

Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương khóa XII sẽ xem xét các "trường hợp đặc biệt" để đưa vào danh sách giới thiệu bầu khoá mới.

img

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII

"Trường hợp đặc biệt" có những tiêu chí rõ ràng

Sáng nay (16/1), Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII khai mạc tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Một trong những nội dung quan trọng được bàn tại hội nghị lần này là Trung ương xem xét các "trường hợp đặc biệt" để đưa vào danh sách giới thiệu bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 15 sẽ xem xét các "trường hợp đặc biệt", như xem xét có trường hợp nào quá 55 tuổi lần đầu tiên giới thiệu vào BCH Trung ương; những trường hợp đang là Ủy viên Trung ương nhưng quá 60 tuổi được giới thiệu vào BCH Trung ương; trường hợp đang là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng quá 65 tuổi được giới thiệu vào Bộ Chính trị khóa mới.

"Ví dụ như khóa XI khi thảo luận để chuẩn bị nhân sự khóa XII, Trung ương giới thiệu 4 người quá 60 tuổi. Đó là các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh. Ra Đại hội XII, Trung ương đã nhất trí đưa vào danh sách bầu cử và kết quả bầu cử có 3 người trúng cử gồm các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam. Còn ở cấp Bộ Chính trị, chỉ có một trường hợp duy nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu và được đại hội bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư khoá XII", PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho hay.

img

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Nhấn mạnh quy trình lựa chọn trường hợp đặc biệt rất nhiều bước và rất chặt chẽ, ông Thông cho biết, về nguyên tắc, các ủy viên Trung ương tại các hội nghị Trung ương được quyền giới thiệu nhân sự "trường hợp đặc biệt", sau đó Trung ương thảo luận và chọn danh sách.

Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Kết luận 75 của Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương khóa XII về phương hướng nhân sự khóa XIII có đề cập đến các trường hợp đặc biệt theo hai tiêu chí. Một là, những trường hợp có phẩm chất, năng lực, uy tín nổi trội. Hai là yêu cầu đòi hỏi của vị trí nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu.

"Bộ Chính trị sẽ cân nhắc xem xét tổng thể, thực hiện quy trình rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để chọn trường hợp đặc biệt. Trong kết luận 75 cũng có một câu: "số lượng "trường hợp đặc biệt" không nhiều và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn", ông Thông nói.

Đã là "trường hợp đặc biệt" thì không nên nhiều

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, xuất phát từ quan điểm, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, nên Trung ương thấy cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt".

Theo ông Lý, ở kỳ Đại hội trước "trường hợp đặc biệt" là trường hợp bầu Tổng Bí thư, đây là vị trí quyết định sự thành bại của cách mạng, sự vững bền của Đảng.

"Vị trí này cần những người phải thực sự tiêu biểu, là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh và các điều kiện Đảng đặt ra, đảm bảo cho Đảng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Đại hội XIII sắp tới tôi nghĩ là nên có "trường hợp đặc biệt", ông Lý nói và lưu ý, đã là "trường hợp đặc biệt" thì không nên nhiều, bởi sẽ dễ phá vỡ những quy định của Đảng.

img

PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đã gọi là "trường hợp đặc biệt" tái cử thì chỉ nên giới hạn ở 1 hoặc 2 trường hợp, nếu nhiều quá sẽ chẳng còn gì đặc biệt.

"Việc giữ lại các "trường hợp đặc biệt" cũng nên coi đó là yếu tố khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của Đảng trong tình hình mới", ông Thưởng nói.

Về tiêu chuẩn, "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tái cử, ông Thưởng cho biết, phải là người có uy tín cao trong Đảng và nhân dân, là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng.

Cũng bàn về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, đất nước có phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, tư duy chiến lược của lãnh đạo chủ chốt.

Do đó, việc lựa chọn nhân sự chủ chốt tại Hội nghị Trung ương 15 để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là công việc quan trọng, cần được xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng, cẩn trọng, khách quan.

Hơn nữa, trong thời gian tới có sự chuyển tiếp thế hệ quan trọng, trong đó dự kiến sẽ xuất hiện nhiều Ủy viên Trung ương thuộc thế hệ 7X. Đây là những người trưởng thành trong hòa bình, song lại học tập từ nhiều nước khác nhau.

"Trong sự chuyển tiếp đó, vai trò của Ủy viên Bộ Chính trị thuộc "trường hợp đặc biệt" tái cử rất quan trọng. Đó phải là người tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, là tấm gương để những người trẻ nhìn vào đó mà nỗ lực lao động, cống hiến, phục vụ đất nước và nhân dân", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, nhìn lại trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta thấy, nhân sự thuộc "trường hợp đặc biệt" là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự tín nhiệm cao trong Đảng và trong nhân dân.

"Tổng Bí thư đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, trở thành trung tâm đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Với sự đoàn kết đó trong nhiệm kỳ qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đất nước đều đã vượt qua và đã đạt được nhiều những thành tựu quan trọng", ông Phúc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.