Ảnh minh họa. |
Nhiều năm nay, “cuộc đua” vào trường chuyên, lớp chọn của các bậc phụ huynh luôn gay gắt, tốn kém và có cả phần không lành mạnh, kéo theo sức ép nặng nề lên cả một thế hệ tương lai của đất nước.
Có những em bé chưa thoát tuổi mầm non đã chật vật theo học các lớp “tiền năng khiếu”, nhằm vượt qua những kỳ sát hạch vào lớp 1 của những trường tiểu học tiếng tăm. Rồi khi vừa kịp biết đọc, biết viết thành thạo, các em lại bị “ép” tham gia đủ lớp học thêm, luyện thi để hiện thực hóa ước mơ của bố mẹ là con mình phải vào học ở một trường chuyên cấp THCS có chất lượng nọ, danh tiếng kia.
17h chiều, đứng trước cổng một vài trường tiểu học nằm ở trung tâm Hà Nội, không khó nhận ra những phụ huynh giục con ăn vội mẩu bánh mì, hút vội hộp sữa để còn kịp đến lớp học thêm. Mệt nhoài sau hai buổi học chính khóa, không ít học sinh ngáp ngắn ngáp dài trên đường đến ca học thêm buổi tối. Mới thấy thương cho những tuổi thơ ít được vui chơi, oằn nặng sức ép học hành...
Nhưng với bố mẹ các em, sự tốn kém và mệt mỏi đó là “đầu tư cho tương lai”. Dù thực tế cho thấy, không hẳn mọi học sinh xuất thân từ trường chuyên, lớp chọn đã thành công trên đường đời. Nhiều trường làng vẫn có tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng rất cao. Nhân tài đâu nhất thiết đều là học sinh trường chuyên, lớp chọn?
Ngành Giáo dục Việt Nam luôn nêu cao khẩu hiệu “phổ cập giáo dục đại trà”, “toàn dân tham gia giáo dục”. Kinh nghiệm của thế giới cũng cho thấy, ở bậc tiểu học và THCS, hầu hết các quốc gia vẫn phổ cập giáo dục. Khi thực hiện phổ cập giáo dục thì cần công bằng về khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân. Mọi sự đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên đều phải ở cùng một mức ngang nhau để đảm bảo sự công bằng về cơ hội học hành cho mọi người.
Vậy thì, cần gì trường chuyên, lớp chọn ở những bậc học này? Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu muốn đào tạo nhân tài hay tạo điều kiện cho học sinh giỏi có cơ hội phát huy, thì chỉ cần cho học sinh tham gia những nhóm năng khiếu - tự học, hoặc gia nhập các câu lạc bộ học tập theo một môn học hoặc chủ đề nào đó. Như thế, học sinh có thể “vừa vui, vừa học”, không bị tạo sức ép, chạy đua theo kiểu “luyện gà chọi” nhiều hệ lụy như hiện nay.Việc Bộ GD&ĐT ra lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 như một lần nữa khẳng định quyết tâm xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn đồng thời là xóa vấn nạn dạy thêm, học thêm kèm theo bệnh thành tích và áp lực thi cử.
Thế nhưng nếu thay thế thi tuyển bằng hàng loạt các phương án test trình độ, thử IQ, EQ... như dự kiến hiện nay, thì trường chuyên, lớp chọn vẫn hiển nhiên tồn tại. Và khi đó, đương nhiên sức ép lên học sinh, cuộc đua của phụ huynh vẫn diễn ra gay gắt. Các lò luyện biến tướng kiểu “Ai là triệu phú” sẽ nở rộ, nạn tiêu cực trước kỳ thi vẫn có cơ hội phát sinh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận