Hồ sơ tài liệu

“Nhân tố bí ẩn” trong cuộc chiến báo chí với Facebook, Google

20/06/2021, 08:28

Hàng chục năm qua, nhiều quốc gia muốn siết quản lý với Facebook, Google nhưng chưa tiến triển...

img

Cuộc chiến Facebook, Google và báo chí được coi như cuộc chiến ngầm của tỷ phú truyền thông 90 tuổi với các nền tảng điện tử. Ảnh: Financial Times

Cuối tháng 2/2021, Chính phủ Australia làm được điều mà nhiều nước lớn trên thế giới đang đau đầu - buộc Google, Facebook phải trả tiền cho những nội dung tin tức được chia sẻ qua các nền tảng điện tử này. Nhưng theo giới truyền thông, đứng sau chiến thắng này là “nhân tố bí ẩn” - tỷ phú truyền thông Ropert Murdoch.

Cuộc chiến ngầm

Hàng chục năm qua, nhiều quốc gia muốn siết quản lý với Facebook, Google nhưng chưa tiến triển.

Năm 2014, Tây Ban Nha thông qua một loạt quy định bắt Google trả tiền cho báo chí nhưng kết quả Google thẳng thừng rút Google News ra khỏi Tây Ban Nha.

Tại Australia, News Corp là đơn vị truyền thông lớn đầu tiên đạt thỏa thuận cung cấp nội dung với Facebook, Google trong 3 năm với “số tiền đáng kể”.

Câu hỏi đặt ra, tại sao một quốc gia chỉ với 25 triệu dân lại là nơi tuyên chiến thành công với Google và Facebook? Nhiều ý kiến cho rằng, đó là bởi sự cứng rắn của Chính phủ Australia. Song, một bộ phận chuyên gia lại nhận định, phía sau chiến thắng này có bàn tay của “ông trùm” truyền thông, tỉ phú Rupert Murdoch - người đang sở hữu Tập đoàn News Corp lừng danh.

Tỷ phú 90 tuổi thừa kế hãng truyền thông News Limited từ cha vào năm 1952, sau đó phát triển và thành lập News Corp vào năm 1980.

Trong quá trình phát triển, News Corp đã chuyển trụ sở tới New York, Mỹ và trở thành tập đoàn truyền thông lớn thứ 4 thế giới, thống trị lĩnh vực báo chí, truyền hình, phim ảnh, in ấn với 142 tờ báo. Trong số này có Wall Street Journal, New York Post, Fox News, The Sun, Sky News Australia...

Tại Australia, ông Murdoch đang kiểm soát 2/3 hoạt động phát hành nhật báo ở các thành phố lớn, thậm chí độc quyền tại nhiều thành phố như: Brisbane, Adelaide, Hobart và Darwin.

Trong khi News Corp đang tung hoành khắp các cường quốc với quyền lực ngầm mạnh mẽ, sự ra đời và phát triển mạnh của Facebook, Google... đã làm lung lay “ngôi vương” của ông Murdoch.

News Corp là 1 trong 5 tập đoàn truyền thông lớn phải giảm lượng phát hành báo in trong hơn 1,5 thập kỷ qua vì sự phát triển của báo điện tử, mạng xã hội. Lợi nhuận quảng cáo cũng liên tục giảm theo từng năm.

Nếu như ở đầu thiên niên kỷ này, báo chí chiếm 96% tổng số tiền quảng cáo ở Australia thì nay tụt xuống chỉ còn 12%. Cụ thể, cứ 100 USD mà các nhà quảng cáo Australia chi ra, có 49 USD vào túi Google, 24 USD cho Facebook, báo chí chỉ được 12 USD, còn lại là các hình thức khác, theo công ty giám sát cạnh tranh.

Khi tranh đấu, Facebook khẳng định, chính nhờ họ, báo chí mới tiếp cận được nhiều độc giả hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ, nhờ các nội dung, thông tin chính thống do các cơ quan báo chí sản xuất được chia sẻ qua Facebook, Google mà các nền tảng này có thể kiếm bộn tiền quảng cáo.

Những điều đó ảnh hưởng tới toàn bộ các hãng tin dù lớn hay nhỏ, kể cả Tập đoàn News Corp của Murdoch. Đó là lý do ông Murdoch dành rất nhiều công sức vận động hành lang để Chính phủ sớm thông qua Luật Thương lượng Thông tin Truyền thông Australia, vào tháng 2/2021, theo Newsweek.

Cơ sở khiến Facebook, Google phải thương lượng

Luật Thương lượng Thông tin Truyền thông Australia yêu cầu các bên liên quan (tập đoàn truyền thông, hãng tin, báo đài tại Australia và các nền tảng điện tử như Facebook, Google...) phải thương lượng với nhau về giá trị nội dung thông tin được xuất hiện trên các nền tảng này. Sau đó, Facebook, Google sẽ phải trả số tiền đã thỏa thuận với báo chí. Trong trường hợp hai bên không chấp thuận, Chính phủ sẽ vào cuộc hòa giải.

Lập luận của Chính phủ Australia khi ép Facebook, Google phải trả tiền đó là: Khi thông tin của các cơ quan báo chí bị “xào xáo” lại, chia sẻ, trích dẫn trên các nền tảng điện tử và quảng cáo của các bên hợp tác với Facebook, Google lại được gắn cạnh những thông tin này, đồng nghĩa người dùng đã đọc thông tin của báo chí nhưng không xem quảng cáo của các bên hợp tác với báo chí. Như vậy, các nhà xuất bản thông tin, báo chí vô hình trung đã bị nẫng tay trên quảng cáo - “bầu sữa” lớn nhất để các cơ quan báo chí tồn tại.

Ban đầu Google và Facebook cực lực phản đối. Thậm chí cuối năm 2020, Google tuyên bố sẽ rút công cụ tìm kiếm này tại Australia; Facebook còn chặn việc chia sẻ thông tin của các cơ quan báo chí, xuất bản tin tức Australia bao gồm cả các trang thông tin chính phủ, cộng đồng, quỹ từ thiện... làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ gần như toàn hệ thống chính trị Australia.

Đáng chú ý, Chính phủ Australia đe dọa sẽ chấm dứt toàn bộ chiến dịch quảng cáo trên Facebook, trị giá hàng triệu USD. Nếu như vậy tổn thất của Facebook có thể sẽ lớn hơn nhiều so với việc chịu thương lượng với báo chí nên cuối cùng vào ngày 22/2, Facebook đã đạt thỏa thuận với Chính phủ Australia.

Dấu ấn của Murdoch tại các cường quốc lớn

Theo Stephen Mayne, nhà báo Australia đã đưa tin về Murdoch suốt 22 năm qua, ông chủ News Corp có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất ở những quốc gia mà các tờ báo trực thuộc tập đoàn này tác động lớn đến chính trị bảo thủ như Mỹ, Anh và Australia.

Cùng quan hệ sâu rộng với các chính phủ bảo thủ, vị tỷ phú 90 tuổi có thể thông qua những nỗ lực vận động hành lang các chính phủ này để có thể gây ảnh hưởng tới chính sách quốc tế.

Tại Mỹ, Tập đoàn News Corp từng gặp nhiều quan chức Bộ Tư pháp nước này để thảo luận về cuộc điều tra nghi vấn Google vi phạm độc quyền. Khi Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tổ chức một loạt cuộc họp với mục đích hiện đại hóa luật chống độc quyền trong kỷ nguyên điện tử, công ty của ông Murdoch không mảy may e ngại vì họ đang là đơn vị tài trợ cho 11/23 thành viên của ủy ban này.

Ông ấy có khả năng chống lại bất cứ ai lấy đi quảng cáo và lượng view từ đế chế của mình, dù là các đài của chính phủ như ABC, BBC hay các công ty trong nhóm 4 công ty công nghệ lớn (Big Tech). Murdoch sẽ đánh bại tất cả bằng cách gây ảnh hưởng lên chính quyền để trừng phạt Big Tech.
Nhà báo Australia Stephen Mayne


Đồng thời, News Corp còn tuyên bố Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ là đơn vị đứng thứ 3 nhận được nhiều quỹ vận động nhất của tập đoàn.

Mới đây, ông David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ công khai tuyên bố, sẽ siết chặt luật chống độc quyền để ngăn chặn những hoạt động gây tổn hại từ Facebook và Google.

Thực tế, ngay cả khi ông Murdoch không cần tác động trực tiếp, hiệu ứng từ chiến thắng của Australia với Facebook và Google cũng đang tự động lan tỏa. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bàn với Thủ tướng Đảng Bảo thủ Ấn Độ Narendra Modi về khả năng hợp tác trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Google và Facebook.

Ông Morrison cũng gặp và bàn vấn đề này với các lãnh đạo Anh, Canada, Pháp. Hiện tại, Canada đang cân nhắc 2 lựa chọn: Một là nối gót Australia yêu cầu 2 gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho nội dung báo chí chính thống; Hai là, có thể đi theo mô hình của Pháp, tập trung vào quy định cấp phép, theo Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Steven Guilbeault, người đứng đầu cơ quan soạn thảo dự luật trên.

Bộ trưởng Steven Guilbeault đã cam kết Canada sẽ xem xét lại dự luật buộc Facebook, Google trả tiền nội dung báo chí vào đầu năm sau. Do đó, các chuyên gia có cơ sở để nhận định, khả năng cao ông Murdoch có thể “trên cơ” Facebook và Google trên quy mô toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.