Cuộc đình công diễn ra trong vòng 24 tiếng, từ 0 giờ ngày 28/2 theo giờ địa phương (tương đương 10h cùng ngày theo giờ VN) nhằm yêu cầu tăng lương.
Phần lớn trong hơn 50 sân bay của nước này vẫn mở cửa nhưng toàn bộ các chuyến bay trong nước và một số chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng.
Tại sân bay lớn nhất Argentina ở ngoại ô Buenos Aires, chỉ có một hãng bay giá rẻ Flybondi và hãng American Airlines đang vận hành.
Hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas ước tính cuộc đình công đã khiến hơn 331 chuyến bay nội địa tại hơn 50 sân bay trên cả nước bị hủy, làm ảnh hưởng tới 24.000 hành khách với mức thiệt hại lên tới 2 triệu USD, tác động tới 35.000 hành khách.
Hãng hàng không Latam Airlines của Argentina và JetSmart của Chile cho phép các hành khách đổi vé không mất phí. Hơn 320 chuyến đi và đến từ Ezeiza nối tới các sân bay trong nước và quốc tế đã bị hủy.
Các nhân viên thuộc công ty Intercargo, đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại các sân bay Argentina, cũng tham gia đình công sau khi không đạt được thỏa thuận tăng lương.
Công đoàn ngành hàng không yêu cầu tăng 16% lương trong tháng 2 và 12% trong tháng 3, tuy nhiên Chính phủ chỉ đồng ý tăng 12% mỗi tháng và hai bên đã không đạt được thỏa thuận.
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh kinh tế Arghentina khó khăn. Đồng peso nội tệ mất giá tới 50% vào cuối năm ngoái và với mức lạm phát lên tới 20%/tháng, ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của người lao động.
Trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, tổng mức tăng chi phí sinh hoạt đã lên gần 46%, theo số liệu thống kê chính thức.
Theo kết quả điều tra của Đại học công giáo Argentina (UCA) được công bố ngày 18/2, tỷ lệ đói nghèo tại quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 1 vừa qua đã lên tới 57,4%, mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Tổng thống Arghentina Javier Milei theo chủ trương mở cửa tối đa nền kinh tế và chính phủ ông có kế hoạch tư nhân hóa nhiều tập đoàn kinh tế quốc doanh trong đó có Aerolineas Argentinas vì cho rằng mô hình quản lý nhà nước không hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận