Nhân viên đường sắt vẫn nặng nỗi lo thu nhập thấp (ảnh minh họa) |
Phần vì gần hai năm rồi không đi tàu tuyến Thống Nhất nên muốn mục sở thị trang thiết bị trên tàu hiện đại thế nào, phần muốn xem tình hình lượng khách ra sao, liệu có đông hơn không sau hàng loạt đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ vừa qua của ngành Đường sắt.
Toa tàu sạch sẽ, không còn mùi tàu đặc trưng bởi sự trộn lẫn mùi thức ăn, mồ hôi người, mùi hôi của ga, đệm. Các ô cửa kính sáng bong, chăn ga gối thơm thoang thoảng… Hành khách đi tàu bây giờ được phát nước uống, cả báo, tạp chí để giải trí… Tàu chạy êm hơn, ít rung lắc. Thế mà lượng khách thì toa nào đông cũng chỉ hai chục khách, có toa chỉ lèo tèo vài khách.
Gặp trưởng tàu, anh cho biết, đang mùa thấp điểm nên khách vắng, cả đoàn tàu mười mấy toa mà chỉ có trên trăm khách, vài khách đi suốt Sài Gòn, còn chủ yếu là khách đi đường ngắn. Lượng khách nước ngoài đi du lịch Huế, Đà Nẵng ổn định hơn nhưng hôm nào đông cũng chỉ khoảng 60-70 khách. Rồi anh tâm sự: “Sau sự cố sập cầu Ghềnh, khách họ bỏ tàu đi hàng không giá rẻ, giờ không quay lại đi tàu nữa. Khách vắng lắm, lại thêm lũ lụt miền Trung nên càng vắng. Thu nhập anh em đi tàu thấp hẳn so với trước. Chỉ tính riêng lương, cũng đã giảm khoảng 20% rồi”.
Tôi làm phép tính nhanh, nếu so với yêu cầu mà Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN đặt ra trước kia, phải bảo đảm thu nhập tối thiểu của trưởng tàu Thống Nhất là 8 triệu đồng/tháng thì nay chắc chỉ trên dưới 6 triệu đồng, lương nhân viên tổ tàu còn thấp nữa. Không chỉ vậy mà phải đối mặt với bao áp lực, vất vả, lo toan.
Quả thật, cứ thế này, liệu anh em có gắn bó với ngành mãi được không? Nhưng nhìn cung cách họ phục vụ hành khách, nhìn các toa xe sạch đẹp và cả lọ hoa tươi mà họ tự mua về cắm để các đầu toa xe bằng tiền trích ra từ “vài đồng lãi” do bán các sản phẩm dịch vụ trên tàu như áo thun, ba lô, mũ… vẫn thấy họ gắn bó, trách nhiệm với nghề lắm. “Anh em không ngại vất vả, chỉ mong thu nhập được cải thiện hơn thôi”, anh trưởng tàu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận