Tình trạng người dân "chuộng" dùng tiền lẻ đi lễ đầu năm vẫn rất phổ biến, khiến công tác kiểm đếm của các ngân hàng sau mỗi dịp lễ Tết gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Làm việc tại Techcombank 6 năm nay, năm nào sau Tết chi nhánh nơi chị Nga làm việc cũng nhận nhiệm vụ cùng vài đồng nghiệp trong phòng kiểm đếm tiền lẻ từ các đền, chùa trong thành phố chuyển về.
Dịp cuối năm và đầu năm, việc thu và kiểm đếm tiền nhỏ lẻ rất vất vả. Nếu nhà chùa nào tin tưởng, linh động thì cho người giám sát lúc "cân tiền" rồi cho phép ngân hàng chở về chi nhánh kiểm đếm, sau đó báo lại số lượng. Nhưng thường, cán bộ ngân hàng phải đến kiểm đếm tại chỗ và về hạch toán tiền gửi cho đền chùa.
Kiểm đếm tiền lẻ theo chị Nga vất vả, mất công ở chỗ, ngoài chuyện tiền đủ mọi mệnh giá, nhưng khi cho vào thùng/hòm công đức người dân còn gập lại nhiều lần, thậm chí có nhiều người còn gập tiền lại theo hình thù, gài lên tất thảy những chỗ có thể "cài cắm" được...
“Mọi người cứ nghĩ chỉ có ngồi đếm tiền thì nhàn thôi, có gì phải kêu ca đâu, nhưng kiểm đếm tiền lẻ lại mất rất nhiều thời gian, công sức. Có khi làm ngồi đếm từ sáng sớm tới chiều muộn mới xong 2 thùng tiền nhà chùa chuyển đến mà lưng thì đau, mắt mỏi rã rời”- chị Nga than thở.
Năm nay không phải nằm trong nhóm kiểm đếm tiền lẻ khiến chị thở phào nhẹ nhõm.
Không may mắn như chị Nga, Mai làm việc tại một chi nhánh ngân hàng tại quận Ba Đình cho biết, ngân hàng cô làm việc nằm trên địa bàn Phủ Tây Hồ, mà nơi đây lại thu hút rất đông người dân không chỉ khu vực Hà Nội mà cả khách thập phương các nơi tới chiêm bái những ngày đầu năm.
Đặc biệt, từ ngày mùng 1 Tết cho tới Rằm tháng Giêng, ngày đông nhất có tới 10.000 lượt người vào Phủ lễ bái, vì thế lượng tiền lẻ cúng tiễn tại Phủ rất lớn.
“Năm nào chi nhánh mình cũng phải huy động tới già nửa nhân viên ngồi kiểm đếm tiền lẻ sau Tết. Tuy công việc chỉ rộ lên trong khoảng nửa tháng Giêng, nhưng với lượng tiền lẻ nhiều khiến mọi người cũng mỏi mệt”- chị Nga nói.
Tình trạng sử dụng tiền lẻ đi lễ đền, chùa ngày đầu năm vẫn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương. Theo ông Trương Tiến Hồi, Phó Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ, Hà Nội, nhiều năm nay mệnh giá tiền lẻ tại Phủ Tây Hồ chiếm tới trên 70% trong tổng số tiền Phủ thu về.
“Sử dụng tiền lẻ đã thành thói quen của người Việt, dù chúng tôi có ra rả tuyên truyền qua loa phát thanh của Phủ nhưng họ vẫn dùng tiền lẻ để đi lễ, đặt lễ tại các ban, thậm chí gài cả lên cành cây cao tít…Người ta đi lễ mà không có tiền lẻ, dầu đèn thì cảm thấy không yên tâm”- ông Hồi giãi bày.
Chẳng hạn, trong số tiền 20 triệu đồng Ban Quản lý Phủ Tây Hồ thu về thì có tới 17 triệu đồng là tiền dưới mệnh giá 5.000 đồng, thậm chí trong lúc thu gom còn xuất hiện cả những tờ 1 hào ngày xưa.
“Tất nhiên, ai cũng thích tiền mệnh giá to để lúc kiểm đếm, vận chuyển dễ dàng nhưng không dễ. Người Việt mình không phải ai cũng giàu và có tiền mệnh giá lớn đi lễ. Tiền ở đây chúng tôi thu được đều chuyển về Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Ba Đình gửi tiết kiệm”- Phó Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ chia sẻ thêm.
Cũng trong tình trạng “ngập ngụa” tiền lẻ do người dân đi lễ “gửi gắm” tại đền sau Tết, đại diện Ban Quản lý di tích đền Mẫu (Hưng Yên) cho biết, các hòm công đức ở đây hầu hết là toàn tiền lẻ, phổ biến dưới 5.000 đồng. Các loại tiền 100.000 đồng đến 500.000 đồng rất ít.
“Tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng người dân cứ bày bừa ra bàn, gài lên cành hoa, cây đa… bất kể chỗ nào. Chúng tôi thu gom về mỗi lần hàng rổ và nhét vào hòm rất lâu. Với lượng tiền này ngân hàng đếm trung bình tầm 2-3 ngày mới xong, có khi nếu ngân hàng cử ít nhân viên xuống thì phải tới 5 ngày mới đếm hết”- vị này cho hay.
Chia sẻ với sự vất vả của nhân viên ngân hàng trước nhiệm vụ kiểm đếm tiền lẻ sau Tết, theo Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại lớn từ xưa tới nay việc thu hồi tiền lẻ sau các kỳ lễ hội mất rất nhiều thời gian, công sức. Có những trường hợp chúng tôi phải thu theo cân, sau đó mới thực hiện được công tác kiểm đếm. Nhưng quan điểm của ngân hàng là nếu khách hàng nộp tiền dù mệnh giá nào thì chắc chắn khách hàng sẽ thu.
“Nhiều khi có những loại tiền quá nhỏ thì chúng tôi đếm xác suất rồi cân, dù chỉ thu từ nhà chùa, nhà đền 10 đồng hay tới 1 tỷ đồng thì ngân hàng cũng vẫn phải bố trí, tổ chức đầy đủ thành phần hội đồng kiểm đếm và huy động ô to chuyên dùng để chở tiền về ngân hàng. Khi nộp sang NHNN, trong niêm phong chúng tôi cũng ghi rõ ngày giờ, tên những người trong hội đồng kiểm đếm” - bà giãi bày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận