Mức đãi ngộ cao nhất 36,5 triệu đồng
Anh Trần C.T. hiện là nhân viên tín dụng chi nhánh Thanh Xuân của một ngân hàng quốc doanh, thuộc top 10 ngân hàng trả thu nhập cao nhất hiện nay. Anh C.T. tiết lộ, hiện hàng tháng anh được ngân hàng trả trên 28 triệu đồng.
Mức thu nhập này tăng nhẹ so với năm ngoái do kết quả kinh doanh của ngân hàng nhỉnh hơn trong năm 2020. Tuy nhiên, con số này chưa tính các khoản thưởng trong năm.
“Các khoản thưởng trong năm chia đều theo quý. Ngoài ra còn các khoản nửa năm và thưởng Tết”, anh T. nói và cho biết, khoản thưởng lớn nhất năm của ngân hàng mình là thưởng kinh doanh vào cuối năm. “Đây là khoản thưởng xét theo thành tích cá nhân. Nhiều người được thưởng riêng khoản này đã gần trăm triệu rồi, lại thêm thưởng Tết 1 - 2 tháng lương nữa”, anh T nói.
Với anh T., nếu cộng cả các khoản thưởng trong năm, thu nhập của anh trung bình lên tới hơn 40 triệu đồng/ tháng. Tuy vậy, thu nhập của anh T. ở ngân hàng thuộc top cao trong bảng lương của khối nhân viên nhưng vẫn không phải người có thu nhập cao nhất.
Căn cứ trên sổ sách, ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt và có đãi ngộ nhân viên đứng đầu hệ thống hiện nay là Techcombank. Theo báo cáo tài chính, năm 2020, lợi nhuận trước thuế mà ngân hàng này đạt được là hơn 15.800 tỷ đồng, cao hơn 23% so với năm trước. Tại ngày 31/12/2020, Techcombank có 11.802 nhân viên, tăng so với con số 11.156 nhân viên tại ngày 31/12/2019.
Năm 2020, lương và các chi phí liên quan trả cho CBCNV ngân hàng cũng tăng hơn 17% lên 5.172,14 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi tháng, Techcombank chi cho mỗi nhân viên 36,5 triệu đồng, cao hơn con số 33 triệu đồng năm 2019.
Trong top 5 ngân hàng đãi ngộ ngân viên cao nhất chỉ có Vietcombank là ngân hàng quốc doanh lọt vào top này với mức trung bình 32,8 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ hai sau Techcombank.
Ba ngân hàng phía sau lần lượt là MBBank hơn 31,4 triệu đồng, SHB 31,2 triệu đồng và VIB hơn 30,7 triệu đồng. Hai ngân hàng quốc doanh gồm: Vietinbank và BIDV lần lượt xếp thứ 9 và thứ 10, chi trả cho nhân viên trung bình dưới 30 triệu đồng/người/tháng.
Sống bằng lương không đủ
Anh C.T. cho biết, thu nhập hơn 40 triệu đồng/ tháng của anh đều đưa cho vợ để chi trả tiền ăn, tiền điện nước và lo cho hai con học hành. Còn lại, khoản tích góp làm giàu của anh đều đến từ việc đầu tư vào các dự án.
Là nhân viên tín dụng chuyên giải ngân vào mảng bất động sản, anh T. là người duyệt hồ sơ vay vốn của các khách hàng từ tổ chức tới cá nhân. Cơ hội đầu tư cũng theo đó mà đến.
Do đó, các khoản đầu tư của anh T. cũng là “rót” vào mảng bất động sản. Hiện các bất động sản đầu tư của anh T. đang rải tại rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, có khoản đầu tư một mình, có chỗ góp vốn cùng bạn.
“Có mảnh đất có thể sang tên ngay trong vài tháng, nhưng cũng có dự án để tới hàng năm mới lãi nhiều”, anh T. chia sẻ và cho biết, vốn rót vào đất đai hay căn hộ trong dự án không nhiều mà anh chủ yếu mua đất ven dự án từ khi mới có thông tin và khi dự án khởi công, đến khi giá đất lên anh sẽ bán ra để “ăn” chênh lệch.
Không “rót” vốn vào bất động sản như anh T., anh Nguyễn Đ.C, là nhân viên một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội và có mức đãi ngộ nhân viên nằm trong top 10, vừa tất toán một lô trái phiếu doanh nghiệp 5 tỷ đồng và thu về lãi tròn 100 triệu đồng trong vòng 15 ngày.
Lô trái phiếu này anh C. “ôm” lại của một nhà đầu tư cá nhân muốn tất toán ngay vì quá cần tiền mặt. Cả lô trái phiếu trị giá 5 tỷ đồng, lãi là 12,5% và còn 15 ngày là đáo hạn.
“Mình “ôm” lại 15 ngày cuối và được hưởng 2% chênh lệch”, anh C. lý giải. Thực tế đây là một tỷ lệ lãi rất cao nhưng đòi vốn lớn. Nhưng những khoản lớn như thế thi thoảng mới xuất hiện khi nhà đầu tư nào đó cần ngay tiền mặt. Còn lại phần nhiều là những lô trên dưới 3 tỷ đồng”, anh C. nói và cho biết, trong mấy năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rầm rộ nên đây cũng trở thành kênh đầu tư của nhiều ngân viên ngân hàng.
Nhiều người vốn ít tham gia từ vài trăm triệu tới trên dưới 1 tỷ đồng thì mua lô lẻ. Lãi suất chỉ 9% đến dưới 10% cho kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm nhưng “ăn chắc mặc bền”. Còn nhiều người có vốn lớn và thích mạo hiểm hơn thì “chơi lướt” do không phải “chôn” vốn quá lâu.
Anh C. cũng cho biết, tại ngân hàng anh đang công tác hay các đồng nghiệp ở nhiều ngân hàng khác, “ai cũng tham gia đầu tư không mảng này thì mảng khác, vì đầu tư mới giàu được chứ lương ngân hàng chỉ đủ điện nước và sinh hoạt hàng tháng”. “Làm trong ngân hàng là biết được người dân gửi tiền bao lâu, ai rút tiền chuyển tới những đâu, xu hướng dịch chuyển dòng tiền thế nào nên đây đều là cơ hội đầu tư cả”, anh C. nói.
TOP 10 lợi nhuận ngân hàng năm 2020
Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành năm 2020. Năm 2020 ngân hàng này đạt 23.045 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2019. Soán vị trí của Agribank, Vietinbank trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai năm 2020 với 16.450 tỷ đồng, còn Agribank tụt xuống vị trí thứ 5 với 12.869 tỷ đồng. Hai ngân hàng TMCP lọt vào 5 vị trí đứng đầu lần lượt là Techcombank 15.800 tỷ đồng và VPBank 13.019 tỷ đồng. Techcombank giữ nguyên vị trí thứ ba, còn VPBank “nhảy” từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4. 5 vị trí còn lại trong 10 ngân hàng đứng đầu lần lượt là: MBBank, ACB, BIDV, HDBank và VIB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận