6 lần tăng liên tiếp, đắt thêm 3.000-3.440 đồng/lít
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 kỳ điều chỉnh; trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá.
So với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng khoảng 2.200 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 2.700 đồng/lít.
Điều đáng nói, giá xăng RON 95 đã tăng liên tiếp 6 lần, đắt thêm khoảng 3.440 đồng/lít (tương đương 16%). Giá xăng E5 RON 92 tăng liên tiếp 5 lần, đắt hơn 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 14,6%) Giá dầu diesel đắt thêm hơn 4.000 đồng/lít (tương đương 21,5%) chỉ trong vòng hơn một tháng nay.
Đây là xu hướng tăng giá khá mạnh trong thời gian ngắn, trong khi đó, giá xăng dầu thế giới không diễn biến tăng bất thường như các năm 2022. Tuy nhiên, suốt thời gian giá tăng liên tiếp, liên bộ Tài chính - Công thương gần như không chi quỹ.
Các chuyên gia cho rằng, điều hành chưa nhịp nhàng Quỹ BOG là một trong những nguyên nhân giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Quỹ bình ổn là công cụ duy nhất kìm hãm đà tăng dịp này, song lại không được sử dụng hợp lý.
Tác động ra sao đến kinh tế?
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả, giá xăng dầu trong nước tăng sẽ làm cho nguồn thu từ các loại thuế, phí của kinh doanh xăng dầu cũng tăng theo, giúp nguồn thu ngân sách tăng và suy cho cùng là chúng ta có thêm nguồn lực để đầu tư phục hồi kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, song hành với tác động tích cực trên, giá xăng dầu còn có những tác động tiêu cực, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế.
Cụ thể, tác động bao trùm nhất là đối với tăng trưởng kinh tế (GDP). Theo tính toán của một chuyên gia thống kê, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%.
Mức tăng hiện nay, tác động khá lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu này như ngành vận tải, và ngành thủy sản.
Còn đối với tiêu dùng của các hộ gia đình, không chỉ tăng thêm cho việc đi lại hàng ngày, mà còn tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng.
Như vậy, những tác động bất lợi trên là không hề nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đối phó nhằm giảm thiểu những tác động.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, giá xăng dầu chỉ dao động trong khoảng từ 19.000-22.000 đồng, mức giá này không vượt quá "sức chịu đựng" của người dân và doanh nghiệp. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết.
"Sở dĩ có thời điểm giá xăng dầu lên mức hơn 30.000 đồng/lít là vì thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng rất mạnh", ông Phú nêu nguyên nhân dị biệt nên giá mới tăng đột biến vào năm ngoái.
Ông cũng nhấn mạnh: tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vì thế, nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát.
Vị chuyên gia cho rằng, kỳ điều hành tới, cơ quan liên Bộ phải khẩn trương sử dụng Quỹ BOG để kìm giá xăng dầu, nếu không, sẽ khó điều hành kinh tế vĩ mô khi chu trình tăng giá cuối năm diễn ra đồng loạt.
"Quy luật hàng hoá "tăng giá nhanh, giảm chậm" sẽ khiến người tiêu dùng chịu trận nếu giá xăng vẫn còn neo cao", ông lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận