Một dự án điện mặt trời núp bóng trang trại nông nghiệp nằm ven Tỉnh lộ 705, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận)
Đây là số liệu Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan vừa cung cấp cho Báo Giao thông.
Theo đó, số lượng và giá trị kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng pin mặt trời nhập khẩu vào Việt Nam trong ba năm tăng mạnh, riêng năm 2020 tăng rất mạnh.
Cụ thể, năm 2018, cả nước nhập khẩu 119,5 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, trị giá 260,4 triệu USD.
Đến năm 2019, số lượng nhập khẩu giảm còn 36,2 triệu tấm nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tăng 224,4% lên 844,8 triệu USD.
Đặc biệt, năm 2020, số lượng pin mặt trời nhập khẩu vào nước ta đã tăng vột lên 114,6 triệu tấm, giá trị nhập khẩu cũng tăng vọt lên tới 2.409,5 triệu USD. Giá trị nhập khẩu này của năm 2020 tăng 1.067,3% so với năm 2018 và tăng 185,2% so với năm 2019.
Báo Giao thông cũng đã thông tin trong loạt bài về tình hình phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại và việc xử lý các tấm pin mặt trời thải loại.
Đáng chú ý, với dòng pin mặt trời giá rẻ được tuồn vào Việt Nam, có những mẫu pin khi test (kiểm định) không đạt yêu cầu, nhà sản xuất lại tìm cách bán ra thị trường với giá rẻ. Tuổi thọ của sản phẩm xuống rất nhanh, thực tế tại Việt Nam, đã có những dự án 3-5 năm đã hỏng. Hệ lụy rõ nhất là khi vòng đời pin càng ngắn thì lượng đào thải ra ngoài sẽ càng lớn.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hồng, một nhà thầu chuyên xây lắp các hệ thống điện mặt trời khu vực miền Nam cho biết, hầu hết các dự án điện mặt trời mặt trời ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải pin mặt trời vì đây là một mô hình đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm.
“Khó khăn ở chỗ, pin mặt trời được cấu tạo phức tạp, không có cấu trúc nhất định mà mỗi nhà sản xuất có những công nghệ khác nhau. Hơn nữa, không có quy chuẩn nào về cấu tạo nên việc đánh giá loại hợp chất nào nguy hiểm, phải tái chế như thế nào”, ông Hồng cho biết.
“Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng tái chế rác thải pin mặt trời, tuy nhiên, cần phải có lộ trình, nên việc trả lại nơi sản xuất là phương án tốt nhất bây giờ”, một đại diện EVN thông tin.
Ngoài phải xử lý số lượng pin mặt trời thải ra, TS. Phạm Anh Tuân (Đại học Điện lực) cũng cảnh báo rằng vấn đề số lượng pin mặt trời thải ra không có nhiều ý nghĩa bằng việc phân tích chất lượng bên trong tấm pin đó như thế nào, có chứa thành phần độc hại ra sao?
“Tuy nhiên, rất tiếc ở Việt Nam hiện nay, công nghệ mới chỉ dừng lại ở việc phân tích thành phần chiếm tỷ trọng lớn, rất khó có thể phát hiện những vật liệu phụ đi kèm, nhất là khi các nhà sản xuất tìm cách ẩn đi. Bởi trong quá trình tinh luyện, có thể có nhiều chất phụ gia, vật liệu gây độc. Quá trình sản xuất này lại rất khó được kiểm soát tại các nước đang phát triển”, ông Phạm Anh Tuân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận