Hàng trăm nhân viên cứu hộ , an ninh có mặt tại hiện trường máy bay quân sự Hercules C-130 rơi. |
Vụ rơi máy bay vận tải quân sự Hercules C-130 xuống khu vực dân cư khiến 141 người thiệt mạng xảy ra ngày 30/6 vừa qua làm lộ rõ những nhập nhèm trong chuyện quân đội Indonesia sử dụng máy bay quân sự chở dân thường kiếm tiền.
Đi máy bay quân sự vì “giá rẻ”
Dù là máy bay vận tải quân sự nhưng chiếc C-130 lại được dùng để chở hành khách vì mục đích thương mại nhiều hơn phục vụ quân đội. Ngay khi tai nạn xảy ra, các cơ quan chức năng địa phương không nắm được chính xác bao nhiêu hành khách có mặt trên máy bay. Ban đầu họ chỉ thông báo có 12 thành viên phi hành đoàn; ngoài ra, không đề cập rõ số lượng hành khách. Tổng lượng hành khách được thông báo tăng dần theo từng lượt đội cứu hộ đưa xác nạn nhân ra khỏi máy bay. Thực chất, các cơ quan chức năng của Indonesia cũng không nắm được số lượng hành khách cùng những điểm dừng của máy bay tại mỗi thành phố. Cuối cùng, Chính phủ chốt - toàn bộ 122 người trên máy bay đã tử nạn.
Nhớ lại cảnh tiễn 5 người thân - em trai, vợ, con gái em trai và hai người họ hàng khác ra sân bay, anh Janson Sinaga không khỏi bàng hoàng. Anh không ngờ chuyến bay đó lại cướp đi quá nhiều người thân ruột thịt. Cả gia đình em trai anh và họ hàng đã đi từ Ranai - một thị trấn nhỏ nằm trên đảo Natuna tới Medan - thành phố lớn thứ ba của Indonesia. Họ đi máy bay thương mại tới Medan; còn chuyến khứ hồi, em trai anh quyết định đi máy bay vận tải quân sự vì “bay trực tiếp và rẻ hơn”. Cuối cùng, chiếc máy bay quân sự gặp nạn chỉ vài phút sau khi cất cánh, khiến toàn bộ hành khách trên máy bay thiệt mạng bao gồm 5 người nhà anh Sinaga.
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến chiếc máy bay vận tải Hercules C-130 gặp nạn là do động cơ cánh phải bị hỏng cánh quạt đã ngừng hoạt động khiến máy bay nghiêng về bên phải - Tư lệnh Không quân Indonesia Agus Supriatna cho biết. |
Chuyện dân thường có thể sử dụng máy bay quân sự để đi lại không mấy xa lạ với người dân tại những khu vực như đảo Natuna; nhưng nó khiến cộng đồng thế giới mắt tròn mắt dẹt. Những hòn đảo xa xôi như Natuna chỉ như một “cái chấm” trên biển Đông, nằm gần khu vực Borneo của Malaysia và thường chỉ có một hãng hàng không thương mại khai thác các chuyến bay thường xuyên tới đây.
Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển không quá xa. Anh Mun, dân bản địa của Natuna cho biết, anh từng đi máy bay vận tải Hercules tới hòn đảo Bintan với giá 37 USD. Anh không quên được khoảnh khắc kinh hoàng khi đi máy bay chẳng khác nào đi xe buýt: “Trên máy bay chẳng có chỗ ngồi trống, nên tôi phải đứng trong cả 45 phút bay”. Theo anh, “bất cứ ai cũng có thể đi lại bằng máy bay này. Dù nó không miễn phí và điều kiện phục vụ khá tồi tàn nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”. Anh Mun cũng mất một người thân trên chuyến bay định mệnh hôm 30/6 vừa qua. Em trai anh vừa tốt nghiệp cấp ba và đang trên đường tới đảo khác để học đại học.
Tai nạn thảm khốcdo lách luật?
Rõ ràng, việc chở dân thường bằng máy bay quân sự với mục đích thương mại là vi phạm quy định quân đội. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, giới chức Chính phủ cùng quân đội Indonesia đều chối đây đẩy hoặc có những giải thích khác nhau. Người phát ngôn quân đội Indonesia Fuad Basya, cực lực phản đối những thông tin liên quan và khẳng định: Các lực lượng vũ trang Indonesia chỉ sử dụng máy bay để chở người thân của quân nhân.
Nếu xét như vậy, phải chăng định nghĩa “người thân của quân nhân” này quá lỏng lẻo? Bởi trong số những hành khách trên máy bay Hercules C-130, có cả những người chẳng có quan hệ huyết thống gì tới quân nhân. Còn Tư lệnh Không quân Indonesia Agus Supriatna không phủ nhận việc có “người dân lạ” trên máy bay và đổ lỗi cho những thành viên bất hảo trong quân đội đã cho phép dân thường lên máy bay. Ông Supriatna khẳng định: “Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng. nếu có bằng chứng chúng tôi sẽ truy lùng bằng được kẻ chủ mưu”.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla lại có cách giải thích khác. Theo ông, việc vận chuyển người dân tại những khu vực xa xôi hẻo lánh là “nhiệm vụ dân sự” của quân đội: “Nếu có chỗ trống, tại sao chúng ta lại không chở họ? Hãy xem đây là dịch vụ, quân đội hỗ trợ những người cần nó”. Tuy nhiên, ông không bình luận về thông tin cho rằng người dân phải trả tiền để sử dụng dịch vụ này.
Về phía người dân, cũng tồn tại nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trên Facebook, một tài khoản tên Nana Birings tỏ ý ủng hộ: “Có lẽ điểm hành khách cần đến không có trong dịch vụ của máy bay thương mại. Việc hành khách phải trả tiền để đi máy bay là phù hợp. Bởi nếu không lấy đâu ra tiền mua nhiên liệu cho máy bay”. Trong khi đó, một tài khoản Facbook khác tên Star Zul Sinar lại chỉ trích: “Vụ tai nạn thảm khốc trên là hậu quả của hành vi lách luật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận