Cụ thể, ngày 31/5, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố quyết định cấm tổ chức Okayama Sangyo Gijutsu Kyodo Kumiai ở tỉnh Okayama, phía Tây Nhật Bản đã bị cấm giới thiệu thực tập sinh nước ngoài cho các công ty tại Nhật Bản trong vòng 5 năm.
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú (ISAJ) thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, tổ chức trên đã không giám sát công ty xây dựng “Six Create” – nơi thực tập sinh Việt Nam 41 tuổi bị đồng nghiệp đánh đập đến mức gãy xương, không nộp báo cáo về vụ việc và không thực hiện các biện pháp cần thiết sau khi đã tham vấn với lao động Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình video thực tập sinh người Việt Nam bị đánh ở Nhật Bản
Tại cuộc họp báo diễn ra ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa phát biểu: “Chúng tôi thừa nhận, đã có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ đang xảy ra do sự thất bại của các tổ chức giám sát, qua đó cũng bộc lộ một vấn đề nghiêm trọng trong chính hệ thống”.
Bộ trưởng Furukawa cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực ngăn chặn không để tái diễn các vụ việc và sẽ rà soát lại hệ thống tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài.
Sự việc thực tập sinh Việt Nam bị đánh đập dã man được phanh phui vào đầu năm nay khi người này lên tiếng tố cáo đồng nghiệp người Nhật bạo hành trong thời gian làm việc tại công ty xây dựng “Six Create” có trụ sở ở tỉnh Okayama.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh - Kyodo
Thực tập sinh 41 tuổi này đến Nhật Bản vào mùa Thu năm 2019 và được bố trí làm việc tại công ty “Six Create”.
Chỉ sau khoảng 1 tháng, ba đồng nghiệp người Nhật Bản bắt đầu bạo hành người đàn ông Việt Nam, khiến thực tập sinh này bị gãy 3 xương sườn.
Sau khi sự việc được làm rõ, nghiệp đoàn Okayama Sangyo Gijutsu Kyodo Kumiai và công ty “Six Create” đã xin lỗi và đồng ý bồi thường cho người bị hại.
Nhật Bản bắt đầu xây dựng chương trình thực tập sinh kỹ thuật từ năm 1993 nhằm chuyển giao kỹ năng cho người lao động ở các nước đang phát triển. Song chương trình này đã bị chỉ trích là "vỏ bọc" để các công ty Nhật bản sử dụng lao động châu Á giá rẻ, theo Mainichi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận