Gần đây, một video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy người đàn ông Việt Nam, 41 tuổi, bị đồng nghiệp đấm, đá và đánh bằng gậy tại một công ty xây dựng. Video do công đoàn nơi người này làm việc công bố đã nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng.
Ngày 25/1, tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc, người đàn ông Việt Nam đã xuất hiện cùng Chủ tịch công đoàn, lên tiếng chia sẻ rõ những đau đớn mà ông đã phải chịu đựng.
Người đàn ông Việt Nam (giấu tên) nói qua phiên dịch cho biết, ông đã tới Nhật Bản từ năm 2019 theo chương trình thực tập sinh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa. Ảnh - AFP
Trong quãng thời gian gần 2 năm làm việc tại Nhật Bản, ông đã phải chịu những vụ tấn công rất dã man, tàn bạo. Ông Mitsugu Muto – Chủ tịch Công đoàn nơi người này làm việc cho biết, thực tập sinh Việt Nam đã phải chịu rất nhiều vụ tấn công, bị các đồng nghiệp ném đồ vào người khiến anh bị gãy răng và rách môi.
Người này cũng bị rạn xương do một đồng nghiệp đi giày bảo hộ đá thẳng vào ngực.
Ông Muto nhấn mạnh, trường hợp này là cực kỳ nghiêm trọng nhưng đó chỉ là tảng băng nổi. Đằng sau, còn rất nhiều câu chuyện lạm dụng, trả lương bèo bọt, mắng mỏ đối với các thực tập sinh người nước ngoài đang diễn ra "như cơm bữa".
“Chúng tôi tin rằng, thực trạng đó xuất phát từ việc thiếu nhận thức về nhân quyền và có yếu tố phân biệt chủng tộc”, ông Muto nói.
Qua câu chuyện của mình, người đàn ông kêu gọi các thực tập sinh khác của Việt Nam không nên tới Nhật Bản theo chương trình này.
Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa cho biết, ông đã chỉ đạo cơ quan di trú nhanh chóng xử lý sự việc. “Hành vi vi phạm nhân quyền đối với thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, như lạm dụng, là không thể tha thứ”, ông Furukawa nói.
Hiện tại, đã có hơn 350.000 thực tập đang sinh sống tại Nhật Bản theo chương trình được nhà nước tài trợ, kéo dài hàng chục năm qua. Mục đích của chương trình là giúp lao động ở các nước kém phát triển hơn trau dồi kỹ năng trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm.
Song, hãng tin AFP dẫn lời một số nhà phê bình cho rằng, nhiều chủ lao động đã sử dụng chương trình này để kiếm một nguồn lao động rẻ, đẩy thực tập sinh vào nguy cơ bị lạm dụng.
Năm 2021, trong báo cáo "Tình hình buôn lậu người", Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, nhiều kẻ buôn lậu người trong nước và từ nước ngoài vẫn tiếp tục lợi dụng Chương trình Đào tạo Thực tập sinh do Chính phủ tài trợ để bóc lột công nhân nước ngoài.
Song, Chính phủ Nhật Bản chưa có biện pháp buộc những kẻ tuyển dụng, chủ lao động đó phải chịu trách nhiệm vì hành vi lạm dụng và tội áp bức lao động, cũng theo báo cáo của Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận