Ngày 31/8, Nhật Bản cho biết sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao.
Kế hoạch mua sắm tên lửa nằm trong đề xuất ngân sách quốc phòng hàng năm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và theo đánh giá của hãng tin Reuters, kế hoạch cho thấy tín hiệu Tokyo đang mở rộng năng lực để vươn tới những mục tiêu xa hơn trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc, Nga leo thang.
Đề xuất ngân sách trên sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất hàng loạt phiên bản tên lửa hành trình có tầm bắn xa hơn so với tên lửa Type 12 đang được sử dụng, để nhắm vào các mục tiêu như tàu và một loại tên lửa đạn đạo tốc độ cao có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Mô hình tên lửa trưng bày tại triển lãm Japan Aerospace 2016 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh - Reuters
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề xuất ngân sách để phát triển các loại đạn dược khác bao gồm đầu đạn siêu vượt âm.
Tuy Bộ Quốc phòng Nhật Bản không nêu chi tiết tầm bắn của những loại vũ khí được đề xuất, nhưng nếu được triển khai dọc bờ tây nam hòn đảo Okinawa của Nhật Bản, nhiều khả năng các loại tên lửa này có khả năng chạm đến mục tiêu trên đất liền Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Nhật Bản cũng đã đặt hàng một số loại tên lửa như Joint Strike Missile của công ty Kongsberg (Na Uy), tên lửa hành trình liên hợp đất đối không (JASSM) của tập đoàn Lockheed Martin Corp có tầm bắn lên tới 1.000km.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 3,6% tới 5,6 nghìn tỷ yen (39,78 tỷ USD) cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1/4 nhưng con số thực tế có thể lớn hơn sau khi tính toán chi phí của các chương trình mua sắm vũ khí mới.
Trong đề xuất ngân sách quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Trung Quốc tiếp tục đe dọa sử dụng lực lượng nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và thắt chặt quan hệ với Nga. Trung Quốc cũng đang gia tăng áp lực xung quanh Đài Loan với các hoạt động quân sự và chưa từ bỏ sử dụng lực lượng quân đội như một cách để thống nhất Đài Loan với phần còn lại của Trung Quốc”.
Căng thẳng trong khu vực gia tăng trong thời gian gần đây sau khi Trung Quốc phóng 5 tên lửa đạn đạo sát đảo Đài Loan và có tên lửa rơi vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản nhằm phản ứng trước chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Ngoài Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề cập tới Triều Tiên như một mối đe dọa với Nhật Bản.
Dự kiến chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thông qua đề xuất tăng ngân sách quốc phòng này vào cuối năm nay. Ông Kishida đánh giá tình hình an ninh tại Đông Á là “mỏng manh” sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, do đó, đã cam kết tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho xung đột trong khu vực.
Hồi tháng 7, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đề xuất tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong 5 năm tới. Như vậy, Nhật Bản có thể trở thành nước thứ 3 trên thế giới về chi tiêu quốc phòng sau Mỹ, Trung Quốc.
Bên cạnh mở rộng kho tên lửa, đạn dược, quân đội Nhật Bản cũng có kế hoạch phát triển khả năng phòng thủ trên không gian mạng, tăng cường năng lực tác chiến điện tử và hiện diện trong không gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận