Hình ảnh thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cung cấp về một vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này |
Mối đe dọa đã lên một giai đoạn mới
Ngày 8/8, theo tờ Financial Times cùng nhiều tờ báo lớn trên thế giới, Nhật Bản công bố Sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó tập trung nhấn mạnh mối đe dọa từ Triều Tiên. Theo Sách trắng, Nhật Bản đã đánh giá lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng sau 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng 7 vừa rồi cùng hơn 20 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tính từ lần Nhật Bản công bố Sách trắng năm ngoái đến nay.
“Có thể, Triều Tiên đã đạt được khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân và có trong tay đầu đạn hạt nhân”; “Mối đe dọa Triều Tiên triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm xa phủ khắp lãnh thổ Nhật Bản đang ngày càng gia tăng theo thời gian”, Sách trắng của Tokyo cảnh báo.
Bên cạnh đó, bản báo cáo đánh giá quốc phòng này lưu ý, một cuộc thử nghiệm trước đó của Triều Tiên cho thấy tên lửa nước này được phóng trong quỹ đạo hình cong khiến cho việc đánh chặn trở nên rất khó khăn. Do đó, Tokyo cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã lên đến “một giai đoạn mới”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera |
Tranh cãi việc tăng cường khả năng quốc phòng
Sách trắng dài 563 trang được Nội các Nhật Bản công bố vào thời điểm chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bổ nhiệm lại ông Itsunori Onodera vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Itsunori Onodera vốn là một chính trị gia tuyên bố công khai rằng, Nhật Bản cần phải có công nghệ để tấn công các căn cứ tên lửa ở nước ngoài. Mặc dù cần phải mất nhiều năm Nhật Bản mới có thể phát triển công nghệ này nhưng nếu đó là sự thực thì đây là dấu mốc quan trọng làm chuyển đổi vị thế quốc phòng hòa bình của Nhật Bản.
Bởi thực tế hiện nay, Nhật Bản đang tuân thủ theo Hiến pháp năm 1947 với tên gọi khác “Bản Hiến pháp hòa bình”, trong đó tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh. Mục đích của Hiến pháp hòa bình là nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một phe trục mới trong tương lai.
Sau 70 năm thực hiện, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến đổi, cụ thể là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Nhật Bản tỏ rõ mong muốn sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp, quy định Nhật Bản không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng nhân loại.
Chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người đi đầu với tham vọng sửa đổi Hiến pháp này. Ban đầu ông Abe dốc lực để thúc đẩy sửa đổi điều khoản nhạy cảm nhưng đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, tỉ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng, ông Abe có vẻ như tạm gác vấn đề này sang một bên.
Gần đây, nhất là vào dịp cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, Tokyo chưa có kế hoạch cho phép các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản bắt đầu tiến trình phát triển vũ khí có thể tấn công căn cứ tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định rằng, ông Abe hoặc người kế nhiệm trong tương lai có thể sẽ thúc đẩy để thay đổi một cách cứng rắn hơn nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hiện nay, hàng loạt cuộc thử nghiệm tên lửa từ Triều Tiên đều có tầm xa đủ để tấn công Nhật Bản buộc chính quyền nhiều thành phố của nước này rục rịch thực hiện tập dượt sơ tán trong trường hợp bị tấn công. Về khả năng phòng vệ trước rủi ro Triều Tiên tấn công tên lửa, Nhật Bản đã có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3. Nhật Bản cũng có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được trang bị tên lửa SM-3 (RIM-161) Block II-A mới nhất có thể tấn công tên chống lại các lửa đạn đạo chiến lược.
Tuy nhiên, không có hệ thống nào trong số trên là vũ khí phòng thủ lý tưởng khi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên được nhận định là “bước sang giai đoạn mới”. Bình Nhưỡng dường như đã theo đuổi thành công tham vọng phát triển đầu đạn nhiệt hạch và hạt nhân có thể thu nhỏ, sẵn sàng để gắn vào tên lửa tầm xa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận