Pháp đình

Nhật Cường đưa 255 nghìn thiết bị điện tử lậu về Việt Nam như thế nào?

05/05/2021, 19:14

Công ty Nhật Cường đã đưa 255 nghìn sản phẩm điện tử từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không trốn thuế về Việt Nam.

img

Các bị cáo tại phiên tòa

Nhật Cường mua bán trái phép hàng trăm ngàn thiết bị di động trị giá 2.900 tỉ đồng

Chiều 5/5, phiên tòa xét xử vụ án "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.

Hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi đồng phạm giúp sức cho Bùi Quang Huy vận hành đường dây buôn lậu, vận chuyển hơn 255.000 điện thoại, máy nghe nhạc... từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.

Trả lời HĐXX về nguồn hàng công ty Nhật Cường nhập về, tiêu thụ trong nước, bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó tổng giám đốc Nhật Cường cho biết: Công ty chủ yếu mua hàng của các hãng lớn trong nước, ngoài ra còn mua hàng từ nước ngoài.

Từ trước tháng 7/2015, ông Bùi Quang Huy phụ trách mua hàng. Sau đó, do mở thêm các công ty phần mềm, ông Huy giao bị cáo Ánh chịu trách nhiệm mua hàng của các chủ hàng ở nước ngoài.

Bị cáo Ánh thừa nhận việc trốn khai báo hải quan để không phải đóng thuế.

Từ sự chỉ đạo của Bùi Quang Huy, bị cáo Ánh cùng dàn lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hàng trăm ngàn thiết bị di động trị giá 2.900 tỉ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc…

Sau khi mua hàng, các bị cáo không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, mà thuê một số đường dây vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc, tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.

Với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, hàng chục ngàn chiếc điện thoại đã được đường dây buôn lậu này vận chuyển trót lọt qua sân bay Nội Bài.

"Bị cáo trực tiếp trao đổi với 12 nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết giao dịch được thực hiện trong các nhóm chat với nhà cung cấp do anh Huy lập ra. Mỗi nhà cung cấp anh Huy lập 1 nhóm chat qua các ứng dụng Wapsap và Wechat , bị cáo Ánh khai.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính của Nhật Cường thừa nhận mình là người trực tiếp thanh toán tiền cho các chủ hàng nước ngoài thông qua trung gian là hai tiệm vàng. Việc chuyển tiền này được thực hiện trong thời gian dài, với số tiền lên đến hơn 2.500 tỉ đồng.

"Cụ thể trung gian là tiệm vàng ở Hàng Dầu và tiệm vàng ở Hà Trung. Việc chuyển tiền thông qua nhiều tài khoản cá nhân do bên tiệm vàng cung cấp, bị cáo không nhớ cụ thể. Riêng tiệm vàng tại phố Hàng Dầu có khoảng 14 tài khoản do 8 cá nhân đứng tên", bị cáo Ngọc khai.

Chủ tọa công bố tài liệu điều tra, khi trích xuất dữ liệu điện tử từ hệ thống của Nhật Cường, cơ quan tố tụng xác định Tổng giám đốc Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu cho các chủ hàng ở nước ngoài.Trong đó tiệm vàng Lộc Phát đã chuyển hơn 1.700 tỉ đồng, tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc xác nhận con số trên là đúng.

Anh trai ông chủ Nhật Cường làm trông xe

Khai trước HĐXX, bị cáo Bùi Quốc Việt (anh trai ruột bị can Bùi Quang Huy) cho biết bị cáo từng đi xuất khẩu lao động từ năm 1989 đến năm 2004 mới về nước. Sau đó, do thất nghiệp nên gia đình “động viên” vào làm tại Công ty Nhật Cường của em trai.

Bị cáo Việt khẳng định chỉ biết em trai có đóng bảo hiểm xã hội cho mình, không biết có ký hợp đồng lao động hay không. Bị cáo Việt nói: “Bị cáo đi trông xe ngoài vỉa hè, làm được lương hơn 1 triệu và đến năm 2019 là 6 triệu đồng. Bị cáo cứ ai giao việc thì làm, công nhân viên nhờ bị cáo sẽ đi, bận việc riêng thì thôi”.

Trước câu trả lời trên, chủ tọa Trần Nam Hà tiếp tục hỏi thêm về công việc khác, bị cáo Việt nói: “Từ năm 2012, sau khi bị cáo lấy vợ, bị cáo đi thu tiền từ các cửa hàng bán lẻ, ngày nào cũng đi. Cứ 8h30 bị cáo đến, đi hơn 10 cửa hàng thu tiền rồi ra ngân hàng nộp, đến 12 hết trách nhiệm về”.

Bị cáo Việt cũng thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu cho Nhật Cường trong đó, có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội. Tuy nhiên, về trị giá số hàng này hơn 7 tỷ đồng, Bùi Quốc Việt khai không biết vì bản thân “chỉ biết nhận”.

Bùi Quốc Việt nói thêm bị bắt vào ngày 10/7/2020 tại trụ sở C03 Bộ Công an và trước đó không liên lạc với em trai Bùi Quang Huy; bị cáo không biết Huy đã, đang đi đâu, làm gì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.