Hỏi - Đáp

Nhặt được của rơi trên đường cũng có thể vướng vòng lao lý?

01/01/2021, 17:56

Luật sư cho rằng, người nhặt được của rơi trên đường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để tránh phiền phức về pháp lý.

img

Ảnh minh họa

Nhặt được của rơi phải trả người đánh mất

Bạn đọc gửi câu hỏi đến Báo Giao thông thắc mắc: Nếu tham gia giao thông, bạn bất ngờ nhìn thấy và nhặt được vật có giá trị bạn sẽ làm gì? Liệu có phải ngay lập tức bạn là người có quyền sở hữu vật đó, hay bạn có nghĩa vụ phải tìm người đánh rơi và trả lại họ? Nếu không trả thì liệu có vi phạm pháp luật?

Luận bàn về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, người nào nhặt được của rơi mà không trả người đánh mất, thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí tùy vào giá trị của vật nhặt được, có thể bị xử lý hình sự với mức án đến 5 năm tù giam.

“Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi nhặt được tài sản của người đánh rơi, bỏ quên, công dân phải có trách nhiệm thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó nếu biết được địa chỉ của chủ tài sản. Nếu không biết, người nhặt phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết”, luật sư Diệp Năng Bình nói.

Luật sư Bình cho biết, Khoản 2 Điều 230 của bộ luật này cũng quy định, người nhặt được của rơi chỉ được xác lập quyền sở hữu với tài sản nhặt được khi sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận.

“Tuy nhiên, người nhặt được (sau 1 năm) chỉ được sở hữu toàn bộ tài sản nhặt được khi tài sản đó có giá trị nhỏ hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Theo Nghị quyết 86/2019/QH14, mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng”, luật sư Bình nói và cho biết thêm, nếu số tiền có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người nhặt được của rơi được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Như vậy, người nhặt được của rơi chỉ được hưởng toàn bộ giá trị vật nhặt được khi đáp ứng đủ 2 điều kiện. Điều kiện thứ nhất là vật giá trị đó có trị giá dưới 10 tháng lương cơ bản (10 x 1,6 = 16 triệu đồng). Điều kiện thứ 2 là sau 1 năm khi nhặt được và trình báo với cơ quan chức năng nhưng không tìm được chủ sở hữu.

Cố tình không trả người đánh rơi có thể bị ngồi tù

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trường hợp người nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả mà bị phát hiện, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, Điều 142 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ tài sản trái phép nêu rõ, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

“Nếu chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 1-5 năm”, luật sư Diệp Năng Bình nói và đưa ra lời khuyên, nếu nhặt được của rơi ở trên đường thì người nhặt được nên trình báo cơ quan chức năng gần nhất để tránh phiền phức sau nay.

Còn với những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự (tài sản giá trị dưới 5 triệu đồng), thì theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả bị coi là hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác; và có thể bị xử phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.

“Nhặt được của rơi nên trả người đánh mất, đây không chỉ là hành động nhân văn mà còn giúp mọi người tránh được những rắc rối về pháp lý sau nay”, luật sư Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.