Ngày 30/1/2022 Thành uỷ TP.HCM tổ chức họp mặt các cá nhân, đơn vị, tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19.
Ngay từ đầu buổi sáng, hàng trăm tài xế đến từ Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus lines, Vinasun, Mai Linh và một số tổ chức tình nguyện đã có mặt tại hội trường Thành uỷ trên đường Võ Thị Sáu, Q.1 TP.HCM. Sau lớp khẩu trang kín, trên những gương mặt các bác tài vẫn sáng lên ánh mắt của niềm vui hân hoan.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quà tri ân các bác tài tham gia vận chuyển nạn nhân, bệnh nhân Covid-19
Báo Giao thông trích đăng bài chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 về 9 tháng ròng rã TP.HCM chống dịch.
"TP.HCM đã trải qua gần 9 tháng ròng rã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày hôm nay, chúng ta ngồi lại đây để chia sẻ, kể lại những khoảnh khắc không đáng nhớ nhưng chẳng thể quên trong suốt thời gian đại dịch bùng phát vừa qua.
Từ những ngày đầu chống dịch, trung tâm cấp cứu 115 với vai trò mũi nhọn có nhiệm vụ quan trọng tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp từ người dân, phân loại, sàng lọc, tư vấn hỗ trợ người dân trong lúc đợi lực lượng y tế tới tiếp cận, cấp cứu. Sau khi tiếp nhận nhân viên y tế và anh em tài xế phải nhanh chóng tiếp nhận thông tin, người bệnh, chuyển người bệnh an toàn đến bệnh viện điều trị.
Trong cuộc chiến sinh tử với lần bùng dịch lần 4 vừa qua, TP.HCM của chúng ta đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua bao khó khăn với sự quyết tâm của chính quyền và toàn thể người dân. Nơi tuyến đầu, nơi trực tiếp tiếp xúc và chứng kiến những nỗi đau chia ly mất mát không chỉ người bệnh mà còn của những người thân, mới thấy chúng ta ngày hôm nay ở đây hạnh phúc đến nhường nào.
Những con số thống kê được ghi nhận từ tháng 6 đến tháng 10/2021 đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh của đại dịch tại TP.HCM. Với trung bình 4.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, tất cả các cuộc gọi tới đều trong tâm trạng hoang mang, tuyệt vọng thậm chí hoảng loạn của người dân.
Thời điểm đó người dân có năn nỉ mình, có trách mắng mình thậm chí có những cuộc gọi chỉ biết khóc. Anh em nghe cuộc gọi hết sức là áp lực, hết sức nỗ lực để tiếp nhận hết tất cả các cuộc gọi của người dân để thu thập thông tin, bệnh tình. Đó là những ngày tháng không thể nào quên.
Khi số bệnh nhân Covid19 trở nặng gia tăng nhanh chóng, quá tải trong công tác điều trị, tiếp nhận. Tại các bệnh viện, không đủ oxy cộng với việc TP đang có lệnh phong toả, rào chắn, dây thép gai… khiến công việc cấp cứu càng thêm nhiều áp lực.
Anh em cấp cứu trên những chuyến xe cứu thương hầu như không ngủ nhưng vẫn không đáp ứng kịp sự thiếu hụt nhân sự. Sự thiếu hụt trong công tác vận chuyển ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác cấp cứu người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115
Ngày 23/6, trung tâm cấp cứu 115 đã tuyển thêm tình nguyện viên, nhờ sự chia sẻ của anh chị phóng viên, sự kêu gọi của lãnh đạo TP, chúng tôi thấy lại được sức mạnh của dân tộc, thấy được niềm tin đang lụi tắt vì dịch Covid quá khốc liệt.
Rất nhiều tình nguyện viên không chỉ TP.HCM mà còn khắp cả nước đứng lên cùng chia sẻ khó khăn với người dân. Từ TP. Đà Nẵng, đến Bạc Liêu, Đắk Lắk… đều đã chi viện cho TP.HCM.
Một bác tài của Phương Trang - FUTA Bus Lines - lái xe cấp cứu chở các bệnh nhân Covid-19.
Đặc biệt, vào tháng 7, Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đã hoán cải 260 xe khách thành 260 xe cấp cứu và kèm thêm đội ngũ tài xế tham gia vào đội ngũ cấp cứu 115. Nhân viên tổng đài của FUTA cũng được đào tạo khẩn cấp để đưa vào trực tổng đài 115.
Những xe cứu thương này được giao trực tiếp cho địa phương và sử dụng trong công tác chống dịch trên địa bàn. Những chuyến xe cấp cứu tăng lên nối nhau tiếp tục ra chiến trường. Tới thời điểm hiện nay vẫn đang phục vụ, hoạt động hiệu quả.
Cuối tháng 7 Công ty Mai Linh với 100 xe cấp cứu và chúng tôi có thêm gần 300 tình nguyện viên được tập huấn lao vào cuộc chiến hướng về người dân TP.HCM thân yêu, vì đồng bào.
Cuộc chiến lúc này thật khó khăn, mất mát nhiều nhất nhưng anh em chúng ta đã từng bước vững bước, vượt qua.
Khi TP.HCM hồi phục lại, chúng ta ngồi ôn lại những thành quả hôm nay cũng như tri ân những người anh hùng áo trắng từ bệnh viện dã chiến, các trạm y tế lưu động.
Đặc biệt, hôm nay cũng là ngày cuối cùng của năm, TP tổ chức buổi gặp mặt, chúng ta tri ân một lực lượng tuyến đầu nhưng không phải ngành Y tế - đó là các bác tài, những con thoi không mệt mỏi đưa người bệnh vào cơ sở cấp cứu dành giật lấy sự sống.
Những giọt mồ hồi rơi trên áo của các anh. Họ đã thức trắng đêm ghì chặt vô lăng giúp các bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Covid-19.
Các anh coi xe là nhà, ngủ ngay trên xe, ăn từ thiện của bà con. Có những người trở thành F0 không chỉ một lần mà hai lần nhưng chỉ mong khỏi bệnh để tiếp tục lao vào cuộc chiến. Thậm chí đã có những người đã mãi mãi ra đi. Đó là tài xế cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 khi chuyển bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến Củ Chi đến bệnh viện Q.1.
Có lẽ những khoảnh khắc sinh tử đã giúp con người mạnh mẽ hơn, để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng nhau, cùng TP qua cơn bạo bệnh. Để có được ngày hôm nay lực lượng tài xế đã hỗ trợ cho lực lượng cấp cứu không chỉ gói gọn trong vài trăm người mà còn rất nhiều anh chị không có mặt ở đây nữa.
Tôi ở đây thay mặt lực lượng cấp cứu chia sẻ 1 phần trong giai đoạn đau thương nhưng hào hùng nhờ những đóng góp không nhỏ của các anh, các chị, các em suốt mấy tháng ròng rã vừa qua. Hôm nay TP.HCM đã lấy lại hơi thở khoẻ mạnh, yên bình. Chúng ta hy vọng, tin tưởng TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cùng sức mạnh dân tộc vượt qua mọi khó khăn, vượt qua đại dịch".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận