Thế nhưng đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã tái chiếm dụng phần đất Nhà nước đã bồi thường.
Kỳ vọng đẹp nhất nhưng lại chậm nhất
Một trong những khu vực dự án đã bồi thường GPMB nhưng bị tái lấn chiếm
Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/1997, có diện tích 304,96ha, được quy hoạch là khu đô thị hiện đại, liên hoàn, đa chức năng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà làm việc và các công trình phúc lợi công cộng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh.
Xuyên suốt khu đô thị là tuyến đường trục chính Lê Hồng Phong dài hơn 5km, mặt cắt rộng 64m, nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không Cát Bi.
Hai bên tuyến đường hình thành hệ thống giao thông bàn cờ nội thành với các khu nhà ở nhiều tầng, chung cư, biệt thự, cơ quan, nhà làm việc...
Các hành vi nhảy dù chiếm đất đã GPMB xảy ra từ lâu nhưng để lại hệ lụy tới bây giờ khiến chính quyền địa phương rất vất vả. Nhiều khu đất đã bồi thường, GPMB từ 20 năm trước, bàn giao cho Ban QLDA.
Về nguyên tắc, Ban QLDA phải quản lý đất đã được bàn giao, nhưng việc quản lý lỏng lẻo thời gian dài đã khiến xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Hiện phường đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của quận và Ban QLDA tiến hành vận động, tháo dỡ những khu đất bị chiếm đồng thời lập rào chắn bảo vệ.
Ông Bùi Văn Vững, Chủ tịch UBND phường Đằng Hải
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm triển khai đầu tư xây dựng, dự án được không ít người địa phương đặt tên là dự án “3 chậm”: Chậm tiến độ, chậm GPMB và chậm lấp đầy diện tích. Hiện, cả dự án vẫn còn khoảng 60ha chưa GPMB. 5 năm trở lại đây, mỗi năm dự án chỉ GPMB được hơn 1ha.
Đáng nói, nhiều năm qua, tại khu vực dự án Ngã 5 - sân bay Cát Bi qua địa bàn 2 quận Ngô Quyền và Hải An xảy ra hàng loạt trường hợp tái chiếm đất dự án. Đây là những khu vực đã được GPMB nhưng do công tác quản lý yếu kém của Ban Quản lý dự án (QLDA) nên một số cá nhân, tổ chức đã vô tư “nhảy dù”.
Đơn cử như tại khu vực ngách Hải quân thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An. Trước đây do không có trụ sở, Công an phường Đằng Lâm đã mượn một phần đất dự án để làm trụ sở.
Khi có trụ sở mới, Công an quận Hải An gửi văn bản trả lại phần đất này cho Ban QLDA. Tuy nhiên, việc bàn giao chưa thực hiện được thì một cá nhân đã vào chiếm đất. Ngay cạnh đó, một nhà hàng hải sản cũng ngang nhiên chiếm một phần đất của dự án để kinh doanh, buôn bán.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm cho biết: “UBND phường đã thông báo, mời các cá nhân liên quan đến để lập biên bản.
Chúng tôi đã thông báo 2 lần, yêu cầu họ trả lại mặt bằng đã chiếm dụng. Trong vòng 2 tháng tới, nếu các cá nhân trên không trả, chúng tôi sẽ báo cáo tổ chức cưỡng chế”.
Tại địa bàn phường Đằng Hải (quận Hải An) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo đó, các hộ dân tự ý xây dựng nhà, quán xá, công trình tạm gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Bồi thường GPMB, Ban QLDA Khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi cho biết: “Dự án kéo dài hơn 20 năm rồi nên có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức tái lấn chiếm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định không có việc cán bộ dự án, hay cán bộ phường “bật đèn xanh” như dư luận đồn thổi”.
Ông Tuấn Anh nêu ví dụ, dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, một hộ dân ở phường Đằng Lâm cho cơ sở kinh doanh đá thuê đất tại vị trí đất của họ. Tuy vậy, khi làm cơ sở kinh doanh này, lợi dụng ngày nghỉ lễ họ đã lấn chiếm phần đất của dự án đã GPMB.
Khi người dân thắc mắc, họ nói đã được cán bộ dự án, cán bộ phường cho phép. Nhận được thông tin, Ban QLDA đã phối hợp với phường Đằng Lâm kiên quyết xử lý, yêu cầu trả lại đất đã chiếm dụng.
Dân khổ vì dự án “treo” 20 năm
Dự án hiện đại của Hải Phòng trước nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch do nhiều công trình sai phép
Dự án khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi được coi là “trái tim Hải Phòng” tới nay đã trải qua hơn 20 năm. Điều mà dự án này làm được là con đường Lê Hồng Phong dài hơn 5km, mặt cắt rộng 64m.
Tới nay, đây vẫn được xác định là tuyến đường đẹp nhất Hải Phòng với nhiều biệt thự, lâu đài nguy nga nằm bám mặt đường và các khu, lô lân cận.
Theo quy hoạch được duyệt, trục chính đường Lê Hồng Phong là những khu biệt thự, trung tâm thương mại, khu căn hộ kết hợp thương mại, dịch vụ và chiều cao các công trình tối thiểu là 3 tầng, diện tích trung bình mỗi lô đất từ 300m2 trở lên.
Hàng loạt những khu đất tại quận Ngô Quyền, Hải An được quy hoạch là biệt thự lại mọc lên những quán ăn, cà phê, điểm trông giữ ô tô được xây dựng sơ sài bằng khung thép.
Tại các khu vực ngay mặt đường Lê Hồng Phong tồn tại những bãi cỏ hoang cho dù nơi đây từ hàng chục năm trước luôn được xác định là khu đất vàng.
Phớt lờ quy hoạch, giấy phép được cấp... nhiều công trình tạm bợ, thấp tầng nằm ngay trục đường chính này vô tư mọc lên làm biến dạng dự án. Điển hình của tình trạng vi phạm này là khu vực dự án thuộc phường Đông Khê (quận Ngô Quyền).
Dự án kéo dài hơn 20 năm, nhiều khu đất đã bồi thường GPMB xen kẽ với khu vực quy hoạch nhưng chưa đền bù khiến suốt thời gian qua, nhiều hộ gia đình thuộc diện quy hoạch không thể xây dựng công trình.
Một lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm (quận Hải An) bức xúc: “Cử tri nhiều lần kiến nghị tình trạng dự án “treo” suốt hơn 20 năm qua. Những hộ dân khu vực dự án dù nhà ở xuống cấp, lụt lội cũng không thể cải tạo, sửa chữa. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới cấp trên về tình trạng khó khăn của người dân nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận