Trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì đang được điều trị tại BV Nhi T.Ư |
Dùng thuốc cam, trẻ 7 tháng tuổi nguy kịch
Theo thống kê của Khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi T.Ư, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trẻ nhập viện với những biểu hiện rối loạn nặng về thần kinh và tiêu hóa do sử dụng thuốc cam.
Mới đây, bé Nguyễn Văn Hòa (7 tháng tuổi, Ninh Bình) nhập Viện Nhi T.Ư sau khi có dấu hiệu nôn trớ, kèm co giật. Tại đây, bé Hòa được chẩn đoán bị ngộ độc chì nặng. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 11/6, bé Hòa có dấu hiệu cảm cúm và ho. Sau khi thăm khám, đã được bác sĩ kê đơn cho cháu uống thuốc tại nhà. Tuy nhiên, thay vì dùng thuốc tây điều trị, gia đình tự ý mua thuốc cam cho con uống. Sau 7 ngày dùng thuốc cam, trẻ xuất hiện nôn nhiều và co giật. Gia đình vội đưa con vào BV Sản Nhi Ninh Bình, sau đó tiếp tục được chuyển lên BV Nhi T.Ư.
"Cần phân biệt có 2 loại thuốc cam, cam tích và cam mã tẩu. Cam tích (thuốc cam gia truyền) thường dùng cho trẻ thiếu dinh dưỡng lâu ngày, tiêu chảy mạn, cảm nhiễm đường hô hấp; giúp trẻ hay ăn, chóng lớn. Còn cam mã tẩu thường dùng để bôi trực tiếp lên các vết loét, trong đó có nguồn gốc khoáng vật có chứa chì. Để tránh sự cố, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng các loại thuốc với công dụng tương tự được cấp phép, hiện có rất nhiều để thay thế bài thuốc cổ truyền này”. Lương y Vũ Quốc Trung |
Quan sát biểu hiện của bệnh nhân, kết hợp hỏi bệnh sử và loại trừ các nguyên nhân co giật do nhiễm trùng thần kinh, khối choán nội sọ, rối loạn chuyển hóa… các bác sĩ nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bé Hòa bị nhiễm độc chì rất nặng. Hiện, bé đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kết hợp sử dụng thuốc thải chì tại Khoa Hồi sức tích cực.
Tương tự là trường hợp bé Nguyễn Duy Lâm (4 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện ngày 16/6 trong tình trạng xuất hiện nôn, đau bụng kèm theo ho… Theo lời kể của gia đình, trước đó 5 ngày bé bị nấm miệng, người nhà đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về rồi pha loãng để đánh tưa lưỡi cho con hàng ngày. 4 ngày sau, bé ho, đau bụng kèm theo nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cháu bé cũng bị ngộ độc chì nặng.
“Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ cho rằng thuốc này có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường như lở loét mồm miệng. Hoặc dùng để vệ sinh tưa lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé”, ThS. BS. Lê Ngọc Duy, Phó trưởng Khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi T.Ư cho hay.
Còn theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, loại thuốc cam mã tẩu thường được dùng trong điều trị cho trẻ lở loét mồm miệng. Tuy nhiên, nếu đúng các bài thuốc cổ truyền thì không thể có thành phần chì. “Có chăng là do những thầy lang vườn thiếu hiểu biết, tự ý pha trộn thêm các ô xit chì hoặc các thành phần khoáng chất khác nhằm giúp nhanh hạn chế, ngăn ngừa lở loét. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng, việc sử dụng chỉ cần liều lượng nhất định cũng mang lại tác hại vô cùng khủng khiếp”, ông Trung cho biết.
Nhiễm độc chì gây rối loạn thần kinh, tiêu hóa
BS. Lê Ngọc Duy cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì là do việc sử dụng các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc để bôi, uống.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi BV Bạch Mai, đối với những trẻ nhỏ khi bị nhiễm chì có thể gây tổn thương não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến những di chứng như: Chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn… Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong.
Đáng lưu ý, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện ban đầu điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc cam. “Việc chẩn đoán ngộ độc chì do dùng thuốc cam rất khó khăn, thường chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì. Do vậy, nhiều trẻ đã phải qua các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học... mới xác định được ngộ độc chì. Ngay cả khi tìm ra bệnh thì việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, kéo theo đó là những tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục”, BS. Duy cho hay.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi. Nếu có, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng. Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng. Đồng thời, cha mẹ nên giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận