Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh thuộc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) thuộc Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tổng công suất thiết kế là 1.200MW, gồm 4 tổ máy 300MW, được chia làm 2 giai đoạn: Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 2.
Tổng mức đầu tư của nhà máy là hơn 1 tỷ USD, trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 645 triệu USD, giai đoạn 2 là 582 triệu USD. Sản lượng điện thiết kế là 7,2 tỷ KWh/năm, tương ứng số giờ vận hành công suất đặt 6.000 giờ/năm. Nhà máy phát điện tổ máy đầu tiên từ năm 2009 và đến năm 2014 thì 100% tổ máy được hòa vào lưới điện quốc gia.
Toàn cảnh nhà máy của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh.
Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng khẳng định vị trí, thương hiệu của mình.
Giữ vững nhịp độ phát triển sản xuất, kinh doanh
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng Giám đốc QTP, cho biết: Từ khi được thành lập đến nay, doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Thế nhưng, QTP đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản trị, phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của người lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Vận hành viên điều hành sản xuất tại Phòng Điều khiển trung tâm của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh.
Cùng với tiết kiệm chi phí đầu vào, bố trí hợp lý nguồn nhân lực, điểm nổi bật trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh của QTP thời gian qua chính là đã quan tâm, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của QTP là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát huy tinh thần sáng tạo trong đổi mới khoa học, công nghệ, ứng dụng CNTT trong điều hành, quản trị tại tất cả các phòng ban trong đơn vị.
Đặc biệt là Công ty đã ứng dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để quản lý kỹ thuật, nhân sự, tài chính, thị trường điện và văn phòng điện tử; Xây dựng phần mềm quản lý hợp đồng… đảm bảo tính chính xác, tránh trùng lặp, thuận tiện trong trích xuất số liệu, tra cứu thông tin, giúp kết nối trực tiếp các số liệu vận hành của nhà máy với các đơn vị trong EVN, giảm tình trạng các báo cáo trùng lặp nhau...
Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, từ khi đi vào hoạt động đến nay, QTP đã phát điện lên lưới điện quốc gia bình quân hơn 5 tỷ kWh điện, đóng góp khoảng 2,7% cho toàn hệ thống điện. Các năm 2014, 2015 và 2016, Công ty đóng góp bình quân 3,62% sản lượng điện toàn hệ thống.
Riêng năm 2014, Công ty phát điện lên lưới điện 5,62 tỷ kWh chiếm 3,86% sản lượng điện toàn hệ thống mặc dù giai đoạn này do giới hạn truyền tải nên hệ thống điện chưa thể huy động tối đa công suất của nhà máy. Tổng doanh thu của công ty từ khi thành lập đến nay là 69.333 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3.023 tỷ đồng với thu nhập bình quân của người lao động là 18,15 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 374 tỷ đồng/năm tương đương với tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ bình quân đạt 8,3%/năm...
Riêng sản lượng điện sản xuất 9 tháng năm 2021 đã đạt 5,375 tỷ kWh (cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020; cao hơn 4,7% so với dự kiến kế hoạch sản lượng điện 9 tháng đầu năm 2021), bằng 74,9% kế hoạch năm 2021 (7,172 tỷ kWh); Doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 6.272,44 tỷ đồng, đạt 75,4% so với kế hoạch năm 2021.
Song song với đó, QTP luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống và thu nhập của người lao động. Hiện đội ngũ lao động toàn doanh nghiệp có 857 người. 100% lao động tuyển dụng được công ty ký hợp đồng lao động, bố trí việc làm thường xuyên, được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, có mức thu nhập và đời sống được cải thiện qua từng năm. Tổng giá trị đã đóng góp vào quỹ BHXH của QTP đến thời điểm hiện tại là 165,7 tỷ đồng.
Công nhân vận hành kiểm tra thiết bị đảm bảo an toàn sản xuất.
QTP còn luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống cho người lao động như bố trí khu nhà ở, phối hợp ngành Giáo dục địa phương xây dựng điểm trường mẫu giáo tại khu tập thể, xây dựng khu thể thao rèn luyện sức khỏe, tổ chức tham quan nghỉ mát hàng năm…. Qua đó đã tạo sự yên tâm, tin tưởng và gắn với với doanh nghiệp của người lao động.
Đảm bảo phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường
Là doanh nghiệp nhiệt điện, nên QTP luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với đảm bảo hài hòa, thân thiện với môi trường.
Điểm đặc biệt là việc xử lý tro xỉ thải của QTP được vận hành đúng quy trình nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Sản lượng điện sản xuất trung bình hơn 7 tỷ kwh/năm, lượng tiêu hao than trung bình hàng năm từ 2,9 đến 3 triệu tấn than cám. Như vậy lượng tro, xỉ theo công nghệ của nhà máy thì hỗn hợp tro, xỉ được thải ra ở trạng thái ướt, vận chuyển hỗn hợp chất thải này từ nhà máy tới bãi thải được thực hiện qua hệ thống bơm và đường ống, các vị trí xả được bố trí theo thiết kế của bãi xỉ.
CBCNV Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh tổ chức trồng cây bảo vệ môi trường đầu năm 2021.
Trong mặt bằng bãi thải chứa tro xỉ được QTP thiết kế hệ thống bơm tái tuần hoàn, thu nước lắng trong tại bãi thải xỉ, bơm cấp về nhà máy dùng cho quá trình bơm tống xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất điện lên bãi chứa.
Điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường của QTP là phối hợp xử lý có hiệu quả hệ thống tro, xỉ thải. Bởi hiện nay, doanh nghiệp có bãi xỉ rộng 160 ha được thiết kế 3 giai đoạn đủ sức lưu chứa toàn bộ lượng tro, xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất điện đến hết đời dự án (25 năm); sức chứa sau giai đoạn 2 (đã xây dựng) là 6,95 triệu m3, tương đương 9,73 triệu tấn tro xỉ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và EVN và của tỉnh Quảng Ninh thì là lượng tồn trữ tại bãi chứa của nhà máy nhiệt điện nhỏ hơn tổng lượng thải của 2 năm sản xuất.
Khu vực hồ chứa tro xỉ của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được đầu tư rất đồng bộ bảo đảm an toàn về môi trường cho khu vực xung quanh.
Đại diện QTP cho biết: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có công suất thiết kế 1.200MW, sử dụng công nghệ lò than phun tiên tiến, bãi xỉ thiết kế để chứa xỉ khoảng 25 năm, khối lượng xỉ hiện có tại bãi xỉ khoảng 4 triệu m3, khối lượng xỉ phát sinh hàng tháng khoảng 7.000 m3/tháng.
Từ khi đưa nhà máy vào vận hành đến nay, việc tiêu thụ xỉ của QTP gặp rất nhiều khó khăn do thời gian khi bắt đầu vận hành, Nhà máy thực hiện chuyển xỉ ướt lên bãi xỉ bằng nước mặn, dẫn đến khối lượng xỉ tồn trên hồ nhiễm mặn. Nhà máy đã điều chỉnh quy trình thải xỉ tuần hoàn (sử dụng nước tự nhiên), tuy nhiên phải có thêm thời gian để thau lọc hoàn toàn xỉ nhiễm mặn; việc vận chuyển khó khăn do yếu tố địa hình dẫn đến chi phí vận chuyển cao, rất khó khăn trong việc tiêu thụ… Vì những khó khăn này dẫn đến khối lượng xỉ tồn trong bãi xỉ rất lớn, các đơn vị thu mua, tiêu thụ đơn lẻ chỉ tiêu thụ được với khối lượng rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để giải quyết những tồn tại của việc tiêu thụ tro, xỉ theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, ngay từ cuối năm 2020, QTP đã chủ động làm việc với các đơn vị nhỏ lẻ đang thực hiện hợp đồng ngắn hạn tiêu thụ xỉ để thông báo, trao đổi và thống nhất với chủ trương chung về việc tổ chức mời xử lý, tiêu thụ xỉ để tìm kiếm đối tác có đủ năng lực xử lý, tiêu thụ toàn bộ khối lượng xỉ tãi bãi chứa nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây là một trong những giải pháp tích cực của QTP trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, QTP đã xây dựng bộ hồ sơ đề mời tiêu thụ tro xỉ đảm bảo minh bạch, công khai nhằm tìm được đối tác có tiềm năng chiến lược, ổn định và lâu dài trên tinh thần không lấy mục tiêu kinh tế mà lấy mục đích tiêu thụ nhanh số tro xỉ tồn dư. Toàn bộ hồ sơ mời xử lý tro, xỉ của doanh nghiệp đều được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Đại diện QTP, cho biết thêm: Quá trình phát hành hồ sơ, có 8 đơn vị quan tâm mua hồ sơ và có 2 đơn vị nộp hồ sơ. Trong quá trình phát hành hồ sơ, QTP không nhận được bất kỳ văn bản, kiến nghị nào liên quan đến nội dung hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ xỉ. Về kết quả lựa chọn đơn vị xử lý, tiêu thụ, Công ty không nhận được kiến nghị của nhà thầu nộp hồ sơ. Kết thúc quá trình xét hồ sơ, Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long là đơn vị đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ, có đơn giá thu mua cao nhất. Kết quả xét, lựa chọn đơn vị xử lý, tiêu thụ xỉ được công ty thông báo ngày 26/3/2021.
Hệ thống cảng, kho chứa của Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long đáp ứng được năng lực tiêu thụ tro xỉ của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh.
“Sở dĩ Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long được lựa chọn với số điểm cao nhất là doanh nghiệp này có hệ thống cảng, bến thuận lợi tiêu thụ tro xỉ vì doanh nghiệp này có kho chứa lên tới 8,5ha, năng lực tiêu thụ trên 100 ngàn m3/tháng; các thủ tục liên quan đến cung đường vận chuyển, công tác bảo vệ môi trường khi vận chuyển đều được doanh nghiệp phối hợp đảm bảo tuân thủ đầy đủ", ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng Giám đốc QTP, khẳng định.
Ông Lê Quang Trung, đại diện Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long, cho biết: Khi thực hiện các thủ tục xử lý, tiêu thụ xỉ với quy mô lớn có phát sinh khó khăn, vướng mắc do Tập đoàn Than - Khoán Sản Việt Nam (TKV) chưa đồng ý cho sử dụng đoạn đường nội bộ để vận chuyển xỉ từ bãi thải đến điểm chung chuyển. Thế nhưng, nhờ doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với QTP đã tích cực làm việc với TKV và các bên liên quan để thống nhất thỏa thuận, cho phép được sử dụng đoạn đường nội bộ của doanh nghiệp thuộc TKV để vận chuyển xỉ trên cơ sở Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long phải trả phí, nên đã được chấp thuận.
Quá trình vận tải xỉ, Công ty CP kinh doanh cảng Hạ Long luôn đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT.
Mặt khác, Công ty cũng chủ động báo cáo cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long được vận chuyển xỉ qua QL279 trên cơ sở đảm bảo các quy định nghiêm ngặt ATGT. Đến thời điểm hiện tại, các thủ tục về tuyến đường vận chuyển đã được lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận