Quản lý

Nhiều bài học giảm thiệt hại đường bộ sau bão lũ

23/10/2024, 06:39

Bão lũ đã qua đi nhưng hậu quả để lại rất lớn, nhất là với lĩnh vực đường bộ. Nhiều bài học đã được rút ra để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo toàn toàn cho người tham gia giao thông.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Theo thống kê của Cục Đường bộ VN tổng kinh phí cần để khắc phục hậu quả thiệt hại bão lũ lĩnh vực đường bộ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhiều bài học giảm thiệt hại đường bộ sau bão lũ- Ảnh 1.

Nếu không linh hoạt xử lý kịp thời khi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập có thể dẫn tới việc Hà Nội bị cô lập. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, bài học đầu tiên được rút ra sau bão số 3 là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, chủ động xây dựng trước kế hoạch thực hiện. Kế hoạch cũng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để thích ứng với mức độ tàn phá của bão lũ.

"Chẳng hạn, tổ công tác của Cục Đường bộ trực tiếp xuống khu vực cầu Phong Châu, phối hợp với địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả. Khi nước lên phải dỡ cầu phao, chuyển sang vận chuyển bằng phà. Hay khi ngập cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nếu không linh hoạt xử lý kịp thời sẽ dẫn tới việc Hà Nội bị cô lập", ông Thái dẫn chứng.

Cũng theo ông Thái, phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" đã phát huy hiệu quả, vật liệu tại chỗ, lực lượng hậu cần tại chỗ được sử dụng linh hoạt, điều động kịp thời giữa các khu quản lý đường bộ, từ chỗ xa chuyển đến chỗ gần để đảm bảo giao thông…

Rút gọn thủ thục, xác định lại đơn giá

Tuy vậy, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, qua phòng chống bão số 3 cũng bộc lộ những hạn chế như khó tìm vị trí tập kết vật liệu, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng làm đường tránh vị trí sạt lở kéo dài…

"Nhiều tuyến đường độc đạo nên việc tiếp cận hiện trường, mở mũi thi công khắc phục gặp nhiều khó khăn. Đơn giá định mức hót sụt trượt, nhất là xếp rọ đá rất thấp, gây khó khăn cho đơn vị thi công', ông Điệp cho hay.

Cũng theo ông Điệp, việc phục hồi hoàn toàn hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian và nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, cần ưu tiên bố trí nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, sửa đổi các quy định phù hợp, trong đó có định mức hót sụt trượt và các định mức khác.

"Từ bài học cầu Trung Hà, cầu Phong Châu, cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kiểm tra chuyên đề trụ, mố cầu. Quy định chung như hiện nay chưa rõ ràng trong điều kiện mưa lũ lớn. Nguồn lực dành cho các đơn vị thực hiện khắc phục hậu quả bão lũ còn gặp nhiều khó khăn, làm hạn chế tính chủ động", ông Điệp nói.

GS.TS Bùi Xuân Cậy, giảng viên cao cấp Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT cho biết, mỗi cấp công trình được thiết kế với tần suất bão lũ cụ thể. Với siêu bão số 3 thì dù có chuẩn bị phòng chống tốt đến đâu cũng vẫn sẽ chịu thiệt hại ở mức độ nhất định. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra cả với các nước phát triển.

"Để khắc phục nhanh chóng, cần ưu tiên nguồn ngân sách cho các địa phương khó khăn, rút gọn các thủ tục đầu tư, cho phép các chủ đầu tư được phép chỉ định thầu", ông Cậy đề xuất.

Việc cấp bách cần giải pháp cấp bách

Luật Đường bộ 2024 quy định phải xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ thích ứng với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp.

Theo TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP.HCM, để giảm tác động tiêu cực, cần đánh giá kỹ về rủi ro thiên tai từng khu vực. Những vùng thường chịu rủi ro lớn cần áp dụng tiêu chuẩn thiết kế cao hơn.

GS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết, việc phát triển các chiến lược thích ứng hiệu quả đòi hỏi cần có chính sách đầu tư phù hợp, dự báo được mức độ ảnh hưởng, phạm vi ảnh hưởng để có giải pháp thích ứng linh hoạt.

Theo ông Bùi Quang Thái, định mức về vật liệu trong phòng chống khắc phục hậu quả bão lũ không còn phù hợp, nhất là vật liệu và phương tiện tại chỗ. Do tính cấp bách, vật liệu, máy móc phải được huy động kịp thời nên không thể làm theo đơn giá định mức thông thường. Cần có cách tiếp cận mới, có cơ chế riêng, không thể theo trình tự trong điều kiện bình thường.

"Khi đã ban bố tình trạng khẩn cấp hay lệnh xây dựng khẩn cấp, phải làm nhanh nhất có thể. Khi xây dựng thông tư hướng dẫn Luật Đường bộ về khắc phục bão lũ, Cục Đường bộ sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp làm nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính", ông Thái nói.

Luật Đường bộ mới được Quốc hội ban hành quy định: Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện luật đã và đang được khẩn trương xây dựng, lấy ý kiến đóng góp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.