Ông Hoàng Ngọc Thắng
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Ngọc Thắng (ảnh bên), Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đây là chủ trương của thành phố và là một dự án lớn nên không thể dừng...
Công tác quản lý sau đầu tư của các quận rất kém
Các dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên thay cho vật liệu gạch nung được Hà Nội triển khai 4 - 5 năm nay. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án này?
Mặc dù tồn tại nhiều bất cập đã được Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra nhưng phải khẳng định, chủ trương của Hà Nội lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô, góp phần chỉnh trang đô thị.
Vật liệu bằng đá tự nhiên cũng hiện đại, đẹp và thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các dự án tồn tại không ít bất cập do quá trình thi công, hậu kiểm.
Ngay từ đầu, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo việc lát đá tự nhiên là phản khoa học, khiến nước mưa không thấm được gây ngập hơn, đồng thời gây lãng phí lớn. Vậy, tại sao Hà Nội vẫn phê duyệt và quyết tâm triển khai thay gạch thấm nước bằng đá tự nhiên, chưa kể ở rất nhiều tuyến đường chất lượng gạch vẫn còn tốt?
Lựa chọn tuyến nào, lát vật liệu gì, thực ra Sở Xây dựng Hà Nội không quyết được mà do các quận, huyện đề xuất với thành phố. Hàng năm, các quận, huyện đăng ký danh mục các tuyến cải tạo với thành phố.
Phát triển đô thị đương nhiên phải bê tông hóa, việc lát đá tự nhiên thì độ thấm sẽ bị hạn chế hơn nhưng Hà Nội có giải pháp trồng cây xanh, cải tạo, đồng bộ hệ thống thoát nước.
Thực tế, dù Hà Nội từng công bố chất lượng đá tự nhiên có tuổi thọ, độ bền 50 - 70 năm nhưng ở rất nhiều tuyến đường chỉ vừa thi công, đưa vào khai thác đã xuống cấp, bong tróc. Vì sao lại có thực trạng này?
Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lấy mẫu ngay tại hiện trường, kiểm tra về cường độ đá theo tiêu chuẩn cho thấy, toàn bộ đá đạt theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phải khẳng định công tác quản lý sau đầu tư của các quận rất kém.
Công năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải xe cơ giới nhưng làm chưa xong, ôtô, xe máy đã đỗ chềnh ềnh. Thậm chí, người tham gia giao thông cũng leo lên vỉa hè để thoát tắc cũng góp phần khiến tuổi thọ của vỉa hè ngắn hơn, nhanh chóng xuống cấp.
Độ bền của một công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài vật liệu, chất lượng đá thì quá trình thi công, quá trình sử dụng cũng rất quan trọng.
Thời gian qua xuất hiện một số vị trí thi công dàn trải, độ dày của đá chưa đảm bảo, thiết kế chưa phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn tới việc vỉa hè xuống cấp nhanh hơn dự kiến…
Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm
Đại diện Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) đi kiểm tra công tác lát đá vỉa hè
Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra các dự án lát đá vỉa hè và phát hiện nhiều sai phạm. Những sai phạm này cụ thể thế nào? Dư luận cũng thắc mắc đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý, vì sao lại như vậy, thưa ông?
Sai phạm của một số tổ chức, cá nhân đã được Thanh tra thành phố chỉ ra nhưng không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi chỉ quản lý về chất lượng công trình.
Đối với việc lát đá vỉa hè, chúng tôi đã đôn đốc, hậu kiểm để thực hiện đúng quy định. Công tác kiểm tra việc lát đá vỉa hè được chúng tôi chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Từ năm 2017 - 2018, khi có dư luận bức xúc về việc lát đá tự nhiên, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra thành phố kiểm tra, có kết quả rất rõ, cũng đã quy trách nhiệm cho chủ đầu tư, nhà thầu.
Giai đoạn thứ hai: Từ năm 2019 - 2020, sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội giao cho Chi cục kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư. Chúng tôi đã đi kiểm tra 21 dự án thuộc địa bàn 4 quận gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Trong đó, cũng tồn tại những bất cập như: Hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu lát đá vỉa hè, chưa chỉ định rõ mạch lát, thiếu thiết kế chi tiết ở các vị trí góc bó vỉa (tại một số tuyến phố quận Ba Đình, Hai Bà Trưng), một số lô đá mới chuyển về đến chân công trình đã bị sứt, vỡ nhiều…
Mới đầu mùa mưa, các trận mưa cũng không lớn, dưới 100mm nhưng đã khiến rất nhiều tuyến đường ngập nặng, các phương tiện phải “bơi” dưới nước. Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của việc bê tông hóa đô thị, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ việc lát đá vỉa hè. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Việc lát đá tự nhiên sẽ có những bất cập và để khắc phục điều đó, thành phố đang có chủ trương cải tạo, khắc phục hệ thống thoát nước, thiết kế dải cây xanh, đường thu các hố ga đưa về hệ thống thoát nước.
Rõ ràng việc triển khai các dự án lát đá vỉa hè đang tồn tại quá nhiều bất cập, vậy tới đây Hà Nội có dừng triển khai để tránh lãng phí hay không, thưa ông?
Có bật cập sẽ có biện pháp để khắc phục, chứ không thể dừng dự án được bởi đây là chủ trương của thành phố và là một dự án lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù các dự án lát đá vỉa hè giao cho các quận, huyện nhưng chủ trương, quyết định triển khai là của TP Hà Nội. Dự án nhiều sai phạm và không đạt hiệu quả, tới đây việc truy trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thế nào, thưa ông?
Theo kết luận Thanh tra thì ai làm sai phải chịu. Việc xử lý, nêu tên những tổ chức, cá nhân, giải quyết thế nào là do trách nhiệm của Thanh tra thành phố.
Nhưng theo chúng tôi, trách nhiệm do các quận, huyện vì từ khâu chủ trương, khảo sát, thiết kế, lựa chọn vật tư, chủng loại đều do các quận, huyện.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận