Ngày 25/4, Thiên Ngọc Minh uy tuyên bố, mạng lưới đa cấp của công ty vẫn hoạt động bình thường |
Hàng loạt vi phạm của công ty đa cấp này được chỉ ra như: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp; Duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa... Trước những vi phạm trên, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đã ban hành quyết định xử phạt công ty này 215 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy được nêu rõ trong bản Kết luận kiểm tra số 343/KL-BCT từ ngày 12/1. Vậy tại sao hơn 3 tháng sau, Bộ Công thương mới công bố? Mặt khác, tại thời điểm công bố, cơ quan chức năng lại gắn kèm nội dung: “Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp”. Có thể hiểu, lý do chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy là do DN này chủ động xin “rút”, chứ không phải do cơ quan quản lý ban hành quyết định xử lý?
Đáng nói, cùng với ngày công bố kết luận sai phạm, trên fanpage “Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy” lại đăng tải thông báo của công ty về sự “mạnh dạn thay đổi” trong hoạt động đa cấp. Theo đó, lĩnh vực kinh doanh đa cấp mang tên Thiên Ngọc Minh Uy hiện tại sẽ được chuyển cho công ty con có tên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm đảm nhận. Về hoạt động của Tập đoàn Thiên Ngọc, thông báo này cho hay, sẽ mở 7 công ty con chuyên về các lĩnh vực: Kinh doanh đa cấp, kinh doanh đá quý, phong thủy, phòng khám đa khoa, hệ thống spa, thực phẩm chức năng… Vậy, phải chăng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy dùng chiêu thay tên lột xác để vươn “vòi” hoạt động?
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 25/4, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh nhận định: Với những vi phạm trong kết luận thanh tra, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ điều kiện ra quyết định rút giấy phép của Thiên Ngọc Minh Uy. “Kết luận vi phạm đã có từ lâu, việc ra quyết định rút giấy phép chậm là lỗi của cơ quan quản lý”, luật sư Truyền nói. Cũng theo ông Truyền, việc DN chủ động xin chấm dứt hoạt động là quyền hợp pháp, song trong trường hợp của Thiên Ngọc Minh Uy thì cơ quan chức năng cần phải xét lại: “Khi một DN liên tục vi phạm, đứng đầu về mức xử phạt, vậy mà khi có kết luận thanh tra, lại chủ động xin dừng hoạt động. Nếu cơ quan chức năng cho phép sẽ tạo tiền đề cho những DN khác, cứ có kết luận vi phạm, lại xin rút giấy phép kinh doanh và chuyển sang hoạt động với tên khác. Chẳng phải là bình mới, rượu cũ hay sao?”, ông Truyền lập luận.
Tương tự, theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại: “Bán hàng đa cấp đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, tổ chức hội thảo, lớp học, tuyên truyền không cần làm gì, từ tay trắng thành tỷ phú, giàu có… Đó là, sự lừa bịp trắng trợn nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện ra dấu hiệu bất thường nhưng khi thanh tra lại thấy có đầy đủ các giấy phép của cơ quan chức năng nên các địa phương không làm gì được. Qua đó mới thấy các cơ quan chức năng cũng chưa làm đến nơi đến chốn”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận