Điều tra

Nhiều Bộ vẫn "ôm" trụ sở cũ vì bộ máy phình to

26/02/2014, 06:30

Lý giải việc vẫn "ôm" trụ sở cũ, đại diện các bộ cho rằng, trụ sở mới chưa đáp ứng được nhu cầu không gian làm việc của đơn vị mình.

Lý giải việc vẫn “ôm” trụ sở cũ, đại diện các bộ cho rằng, trụ sở mới chưa đáp ứng được nhu cầu không gian làm việc của đơn vị mình. Thậm chí, có bộ còn đổ lỗi cho quy hoạch, thiết kế dự án xây dựng trụ sở mới bị lạc hậu.

Kỳ 2: "Ôm" vì bộ máy phình to
 

Trụ sở mới của Bộ TN&MT được thiết kế có cả sân quần vợt và bóng chuyền
Trụ sở mới của Bộ TN&MT được thiết kế có cả sân quần vợt và bóng chuyền


Trụ sở mới vừa xây xong đã… lạc hậu

Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Lô 24D Khu đô thị mới Cầu Giấy có quy mô đất rộng gấp 3,8 lần so với trụ sở cũ (1,38ha so với 0,36ha). Công trình này cao tới 18 tầng với tổng diện tích sàn là 27.590m2. Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT, thiết kế ban đầu của trụ sở mới chỉ đáp ứng cho 800-1.000 người làm việc nhưng hiện nay số nhân sự ở đây là hơn 1.000 người. Tuy nhiên, để tiện cho việc điều hành, Bộ TN&MT cũng phải cố gắng tận dụng không gian cho các đơn vị chuyển về trụ sở mới.

“Trụ sở mới bắt đầu thiết kế, xin đất từ 7-8 năm trước. Đến giữa tháng 5/2012 mới đưa vào sử dụng. Hiện nay, một số đơn vị thuộc khối sự nghiệp vẫn đang làm việc ở trụ sở cũ. Ở đó họ cũng chẳng rộng rãi gì đâu”, ông Thuận cho biết.
 

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc một số bộ sau khi chuyển tới trụ sở mới vẫn “ôm” trụ sở cũ, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính cho biết, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo hướng giải quyết.

Tương tự, tọa lạc trên số 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trụ sở mới của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được xây trên quỹ đất rộng 1,8ha, cao 13 tầng. So với trụ sở cũ của đơn vị này tại số 39 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) chỉ có quỹ đất 0,15ha, quy mô 4 tầng thì “ngôi nhà” mới có diện tích đất gấp 12 lần chỗ cũ. Đó là chưa kể đến tương quan công trình được nâng từ 4 tầng lên 13 tầng. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ KH&CN, chừng đó diện tích sử dụng vẫn là chưa đủ. Ông Đoàn Hồng Quân - Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, thiết kế trụ sở mới chỉ đáp ứng được chỗ làm việc cho khoảng 400 người. Trong khi đó, hiện tại tòa nhà này đã “chứa” 600 nhân sự. Nếu tính theo định mức diện tích phòng làm việc của cán bộ, công chức Nhà nước thì trụ sở mới này vẫn thiếu.

Lý giải cho sự bất cập này, ông Quân cho rằng, dự án xây dựng trụ sở mới của Bộ KH&CN bắt đầu triển khai từ những năm 2000 nhưng đến tận cuối năm 2011 mới đưa vào sử dụng. Trong thời gian đó, bộ máy nhân sự của Bộ này đã “phình” ra. Do đó, dù khi thiết kế tòa nhà, các đơn vị thực hiện đã tính toán kỹ sao cho đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, nhưng đến khi công trình hoàn thành thì đã lạc hậu. Lạc hậu đến mức trụ sở mới xây xong, không gian làm việc ở cả chỗ cũ và chỗ mới cũng chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu. Thậm chí mỗi lần sắp xếp phòng làm việc cho cán bộ ở trụ sở mới rất khó khăn. “Quá trình cấp vốn, xây dựng của tòa nhà này kéo dài mười mấy năm thì làm sao theo kịp sự phát triển của các đơn vị trong Bộ. Nếu như việc xây dựng và chuyển trụ sở các bộ, ngành được thực hiện đồng loạt trong vòng 2-3 năm thì đã khác. Nhưng làm như thế thì liệu ngân sách Nhà nước có đáp ứng đủ hay không?”, ông Quân phân tích.

Ông Quân cho hay, tại trụ sở cũ của Bộ KH&CN hiện vẫn còn khoảng 200 cán bộ, công nhân viên của 7-8 đơn vị trực thuộc đang làm việc. Nếu bắt buộc phải di dời các đơn vị đang làm việc trong trụ sở cũ tại số 39 Trần Hưng Đạo thì họ cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc ra ngoài thuê.

Không chấp nhận đổ lỗi cho thiết kế

Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chủ trương di dời trụ sở một số bộ ra khỏi nội đô Hà Nội là chủ trương lớn của Chính phủ chứ không phải công việc riêng rẽ của từng bộ. Mỗi bộ, ngành có trụ sở trong diện di dời phải tự xây dựng dự án đầu tư, tính toán diện tích, nhân sự, tổ chức thiết kế cụ thể cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng bộ. Do đó, nếu đổ lỗi cho thiết kế lạc hậu để bao biện việc vẫn sử dụng trụ sở cũ là không chấp nhận được. “Từng bộ đều có kế hoạch riêng chứ Chính phủ không có kế hoạch chung cho tất cả các bộ. Nếu đổ lỗi cho thiết kế thì phải kỷ luật anh nào duyệt thiết kế đó. Chuyển đi rồi lại bảo do quy hoạch, thiết kế lạc hậu là không được”, Tiến sỹ Liêm nói.


Nguyễn Quý
(Còn nữa)
 

Trụ sở cũ cũng kín chỗ

Trụ sở cũ của Bộ TN&MT tại 83 Nguyễn Chí Thanh hiện vẫn là nơi làm việc của TCT Tài nguyên và môi trường, một đơn vị thuộc Bộ TN&MT
Trụ sở cũ của Bộ TN&MT tại 83 Nguyễn Chí Thanh hiện vẫn là nơi làm việc của TCT Tài nguyên và môi trường, một đơn vị thuộc Bộ TN&MT

Ngày 25/2, PV Báo Giao thông đã tiến hành khảo sát tại trụ sở cũ của một số Bộ, ngành đã di dời. Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các trụ sở này đều đang có đơn vị sử dụng. Trụ sở cũ của Bộ TN&MT có hai tòa nhà cao 4 tầng giờ là nơi làm việc của Tổng Công ty Tài nguyên Môi trường Việt Nam (T-MV) và một số đơn vị trực thuộc như: Công ty Địa chính, Tư vấn và Dịch vụ đất đai; Công ty Tài nguyên Môi trường Biển; Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ môi trường; Trung tâm Kiểm định và Kiểm tra chất lượng sản phẩm; Xí nghiệp Bay chụp và Đo vẽ ảnh; Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 2… Đây đều là những đơn vị thuộc khối sự nghiệp.

Khi truy cập vào website của T-MV (http://www.vinanren.vn) kiểm tra địa chỉ làm việc của những đơn vị này đều không đặt tại số 83 Nguyễn Chí Thanh.

Trụ sở cũ của Bộ KH&CN cũng đang được sử dụng bởi nhiều đơn vị như: Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ; Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác Công nghệ; Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia… Toàn bộ các phòng tại tòa nhà 4 tầng (trong đó có một tầng xép được thiết kế lại) ở đây đã kín chỗ.

N.Q

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.