Thị trường bấp bênh
Hơn một năm trở lại đây, vợ chồng chị Đỗ Mai Lan (Hào Nam, Hà Nội) mỗi lần có nhu cầu đổ xăng cho phải ra tận Láng Hạ, cách nhà hơn 1km thay vì ghé cây xăng Hào Nam ngay đó. Sau hơn 8 năm kinh doanh, chủ cây xăng Hào Nam đã phải đóng cửa.
Cây xăng ở Hào Nam đã đóng cửa hơn 1 năm nay.
Chủ một cửa hàng ăn gần đó trầm ngâm: "Họ lỗ quá. Mỗi ngày hàng nghìn khách ra vào, mà đến thời điểm cuối tháng 11/2022 phải đóng cửa liên tục vì không còn tiền. Sau đó, năm 2023 thì quây tôn cho đến tận bây giờ".
Đây chỉ là một trong nhiều cơ sở kinh doanh phải rời thị trường xăng dầu – lĩnh vực vốn dĩ được coi là "béo bở" thời gian qua.
Ghi nhận của PV, tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay khá bấp bênh khi vẫn còn nhiều luồng ý kiến cho rằng doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn là "con ghẻ" của hệ thống xăng dầu. Tình trạng này bộc lộ từ thời điểm thị trường có những bất thường vào năm 2022 và kéo dài đến tận bây giờ.
Đây cũng là khởi nguồn cho việc hàng loạt doanh nghiệp rời thị trường trong những tháng gần đây. Thống kê của Tổng cục thuế cho thấy, đến hết tháng 3, cả nước chỉ còn lại 15.935 cây xăng, trong khi cuối năm 2023 vẫn có tới 17.000 cây.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 16 thương nhân phân phối đề nghị trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu và Bộ đã thu hồi theo nguyện vọng.
Đầu tư tiền tỷ, thu tiền lẻ
Ông Bùi Văn Dũng, chủ một cửa hàng xăng dầu ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết vừa làm thủ tục cho thuê lại cửa hàng xăng dầu của mình. Người thuê là chủ một cửa hàng xăng dầu khác.
Theo ông Dũng, đây là mô hình mới đang phổ biến hiện nay. Tức là, một số người sẽ đi "gom" các cửa hàng xăng dầu khác gần nhau để thuê. Việc này nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh từ việc tận dụng một lần vận chuyển có thể cung ứng cho loạt cơ sở gần nhau; hay có thể giúp điều tiết giảm chi phí vận hành từ nguồn nhân công.
Tại một hội thảo mới đây về xăng dầu, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) nhận định, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, do các quy định bất cập trong kinh doanh. Hai năm qua, các doanh nghiệp xăng dầu như "đang nằm trên giường bệnh".
Giám đốc một công ty về bán lẻ xăng dầu cho biết, một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, do chiết khấu quá thấp nên chỉ lãi được 400.000 đồng.
Nút thắt cơ chế
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nhiều cửa hàng xăng dầu hiện vẫn hoạt động bình thường do họ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ cho các thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối khác. Trường hợp không tiếp tục kinh doanh, họ chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất để doanh nghiệp khác kinh doanh.
Chủ nhiều cây xăng cho rằng, thị trường xăng dầu vẫn bất ổn khi nghị định về xăng dầu vẫn chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề.
Thời điểm cuối năm 2023, Nghị định 80 đã được ban hành, được đánh giá có nhiều điểm mới như: cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ 3 nguồn, nhằm cạnh tranh về giá, chủ động nguồn cung và cũng từ đó giải quyết được vấn đề bị doanh nghiệp cấp nguồn (thuơng nhân đầu mối, phân phối) bóp nghẹt chiết khấu. Tuy nhiên, đến nay nghị định vẫn chưa có hướng dẫn khiến doanh nghiệp chưa thể áp dụng.
Được biết, Bộ Công thương đã dự thảo một nghị định mới thay thế tất cả các nghị định đã có trước đây, tập trung vào 4 vấn đề lớn gồm: công thức và cơ chế giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; điều kiện kinh doanh và hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Theo dự thảo, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ không quyết định giá bán như hiện hành mà giá này sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định trên các cơ sở các tiêu chí được đưa ra một cách minh bạch.
Cần làm rõ cơ chế tính giá
Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đoan Việt (TP.HCM) nhìn nhận: "Nếu không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu, doanh nghiệp đầu mối lớn sẽ tạo ra luật chơi, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn".
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thoả cũng khẳng định: "Thị trường xăng dầu cần xét đến hai vấn đề là nguồn cung và hệ thống. Nguồn cung đại diện cho thị trường ngắn hạn, còn hệ thống cho dài hạn. Nếu vẫn không giải quyết hết nút thắt của hệ thống thì thị trường vẫn chưa thể đi vào quỹ đạo".
Về hệ thống, vị chuyên gia gợi ý, cần siết việc các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được buôn bán xăng dầu lòng vòng lẫn nhau; cấm tuyệt đối các công ty con bán ngược lại xăng dầu cho công ty mẹ, công ty cuối nguồn bán vòng lại cho công ty đầu nguồn…
Đồng thời, quy định cơ chế kết nối chặt chẽ kiểm soát được lẫn nhau từ doanh nghiệp đầu nguồn về quyền, nghĩa vụ, lợi ích thông qua hợp đồng, qua cam kết, đăng ký hệ thống cung ứng với trách nhiệm cao hơn trong việc bảo đảm nguồn, chia sẻ kinh phí kinh doanh, chiết khấu với nhau một cách hợp lý.
Ngoài ra, cơ chế giá cần sửa đổi theo hướng dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường thông qua việc đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá cho doanh nghiệp…
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
"Từ đầu năm đến nay, về cơ bản, các đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn cung xăng dầu, đáp ứng đủ nhu cầu", bà Hiền nói.
Ước tính, tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước quý II/2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn các loại; tiêu thụ khoảng 6,3 triệu m3/tấn; tồn kho từ 1,7-1,8 triệu m3/tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận