Nghị quyết nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện hàng loạt nội dung đáng chú ý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
“Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch"
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, sớm đưa đất nước về trạng thái bình thường mới theo phương châm “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”.
Cùng với đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”.
Chính phủ yêu cầu mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
Chính phủ đưa ra mục tiêu: Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch.
Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau: Luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quay trở lại hoạt động.
Đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuế đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở cửa sản xuất, kinh doanh trở lại
Về đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng.
Chính phủ lưu ý, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép con cản trở lưu thông hàng hóa; không để xảy ra tiêu cực; không để lợi dụng dịch bệnh tăng giá…
Chính phủ đưa ra hàng loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu này. Cụ thể, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm là các đối tượng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết.
Trong tháng 9 này, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.
Địa phương chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Cùng với đó, huy động tối đa các nguồn lực hiện có hỗ trợ cho người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành xem xét trình cấp có thẩm quyền hàng loạt chính sách hỗ trợ DN như: Giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020, 2021.
Cùng với đó thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5); thực hiện chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.
Gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước
Hàng loạt chính sách hỗ trợ về thuế, phí cũng được Chính phủ đặt ra như: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; sớm cho phép doanh nghiệp, dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới; sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng.
Trong tháng 9 xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.
Dự kiến trong tháng 9 sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại
Nới lỏng điều kiện cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 để người lao động có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các địa phương căn cứ khả năng cân đối của mình và nguồn huy động đóng góp tự nguyện quyết định việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng trên địa bàn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 9 chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế hướng dẫn quy trình về cách ly y tế an toàn để các địa phương thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác trong tháng 9.
Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện quyết liệt “ngoại giao vắc xin”; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 9 việc áp dụng cơ chế đặc biệt về kiểm soát y tế, phòng dịch sau khi nhập cảnh đối với một số trường hợp đặc thù nhưng phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.
Cùng với đó đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về Hộ chiếu vắc xin nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9…
Các địa phương nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận