Trong tháng đầu tiên của quý 2/2020, nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực, tác động lớn tới đời sống người dân.
Xe trung chuyển cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/4/2020. Theo Nghị định 10/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km
Taxi được lựa chọn gắn hộp đèn hoặc không
Nghị định 10/2020/NĐ-CP cho phép taxi và taxi công nghệ (ví dụ như taxi Grab) được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Gửi tin nhắn rác bị phạt tới 80 triệu
Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4 tới.
Theo quy định mới, hành vi gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại bị phạt 60 - 80 triệu đồng.
Hành vi chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội... bị phạt 50 - 70 triệu đồng…
Cán bộ tư pháp không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch của công dân
Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực từ ngày 20/4 tới.
Theo quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015.
Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Những mục không có nội dung trong tờ khai thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực...
Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Kể từ ngày 15/4/2020, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực.
Theo Nghị định này, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động. Mức phạt phụ thuộc vào số lao động bị vi phạm, như 1 - 10 lao động bị chậm lương phạt 5 - 10 triệu đồng; 11 - 50 người phạt 10 - 20 triệu đồng; 51 - 100 người phạt 20 - 30 triệu đồng; 101 - 300 người phạt 30 - 40 triệu đồng; từ 301 người trở lên phạt 50 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo học nghề; Trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; Không trả hoặc trả không đủ lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận