Nhu cầu vốn đầu tư vào ngành GTVT hiện còn rất lớn - Ảnh: Ngọc Ngân |
Đối với các dự án được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư (PPP) nằm ở nhóm C, các nhà đầu tư không phải thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải thành lập doanh nghiệp (DN) dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Mở rộng hình thức, tinh giản thủ tục
Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/4 tới. Với nhiều điểm mới, ưu việt, nghị định này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, thu hút mạnh mẽ hơn vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, PPP là một khung chính sách chung về hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Trước khi Nghị định 15 ra đời, Nghị định 108/2009 về BOT, BTO, BT và Quyết định 71/2010 của Chính phủ về thí điểm dự án PPP là hai văn bản pháp lý quan trọng cho hình thức PPP. Tuy nhiên, cả hai văn bản này đôi khi vẫn khiến nhà đầu tư và các nhà quản lý nhầm lẫn, nhiều người cho rằng, BOT hay BT không phải là PPP, số khác lại khẳng định PPP chính là BOT.
Theo ông Tăng, tất cả dự án công mà Nhà nước phải làm để phục vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội như: đường giao thông, bến cảng, nhà ga, bệnh viện, trường học,… nhưng nhà nước không đủ tiềm lực để triển khai, phải mời gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện và tạo điều kiện cho họ thu lại vốn thông qua thu phí hay hình thức khác, đó là các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
“Đầu tư theo hình thức PPP không chỉ gồm các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT. Trong Nghị định 15 đã bổ sung thêm các loại hợp đồng khác như: BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), O&M (Kinh doanh - Quản lý), BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ) và BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao). Thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, việc bổ sung các loại hợp đồng này là rất cần thiết”, ông Tăng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ GTVT Ðinh La Thăng cho biết, kết cấu hạ tầng GTVT được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Việc thực hiện các dự án PPP cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. |
Một điểm đáng chú ý, để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, Nghị định 15 quy định rõ nguồn vốn đầu tư công tham gia thực hiện dự án. Cụ thể, trong nhiều trường hợp dự án với mục đích công không có đủ nguồn thu để đảm bảo khả năng hoàn vốn, khi đó dự án cần tới sự tham gia của Nhà nước. “Nghị định PPP quy định rõ về thủ tục thu xếp nguồn vốn này nhằm đảm bảo ăn khớp với yêu cầu mới của Luật Đầu tư công. Với vai trò là vốn “mồi” cho sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, các văn bản chỉ đạo việc lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2015 - 2020 đều nhấn mạnh dành ưu tiên hàng đầu cho dự án PPP”, ông Tăng nói và cho biết thêm, so với thông lệ quốc tế chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, nhưng Nghị định 15 đã bổ sung mô hình dự án PPP quy mô nhỏ, được xác định là dự án nằm trong nhóm C theo phân loại của Luật Đầu tư công nhằm phát huy sự tham gia của các DN trong nước.
Theo đó, để tạo tính linh hoạt, Nghị định 15 quy định thủ tục rút gọn đối với loại dự án này như không phải thực hiện các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải thành lập DN dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Một điểm nổi bật khác trong Nghị định 15 là các nhà đầu tư tự đề xuất ý tưởng, lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được hưởng ưu đãi. Theo đó, khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, cơ quan Nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi là 5% trong đấu thầu, trường hợp không trúng thầu thì được hoàn trả chi phí nghiên cứu dự án đã xác định từ trước.
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông còn rất lớn
Có thể nói rằng, khi Nghị định PPP có hiệu lực là khung pháp lý cơ bản cho việc triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, tăng cường công tác huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư phát triển kết hạ tầng của đất nước. Đối với ngành GTVT, trong những năm qua, toàn ngành đã huy động được gần 170 nghìn tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào tất cả các lĩnh vực: Đường bộ, hàng hải, hàng không,... Riêng năm 2014, ngành GTVT thu thút được 39 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho 19 dự án BOT.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, theo dự báo trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất lớn. Trong khi đó, khả năng huy động các nguồn vốn Nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu.
“Do vậy, việc ban hành Nghị định PPP nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai linh hoạt các dự án PPP phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư, điều kiện quản lý cụ thể của ngành. Đặc biệt, công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới”, ông Huy nhấn mạnh.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, Nghị định 15 đã quy định rõ hơn về vốn đầu tư công tham gia dự án. Nếu dự án PPP không có khả năng hoàn vốn thì Nhà nước góp vốn để xây dựng, thanh toán cho nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ, GPMB, bồi thường tái định cư.
“Đáng lưu tâm, bên cho vay có quyền tiếp nhận dự án khi nhà đầu tư vi phạm hợp đồng PPP và hợp đồng tín dụng”, ông Hoàng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận