Tài chính

Nhiều chủ tàu cá 67 đứng trước nguy cơ mất nhà

14/06/2021, 14:00

Do nợ quá hạn, nhiều ngư dân ở Nghệ An đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án, họ đang đứng trước nguy cơ mất nhà vì tàu cá 67.

img

Hy vọng được vươn khơi đánh bắt để trả nợ lấy sổ đỏ ra khỏi ngân hàng đã không còn khi tàu cá 67 của ông Nguyễn Khắc Thìn bị cơ quan chức năng kê biên tài sản

“Đuối nước” vì tàu cá 67

Ông Nguyễn Văn Họa, chủ tàu cá 67 NA 91122 TS ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết, ông mang sổ đỏ thế chấp vay vốn để đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ (tàu cá 67). Ông vay hơn 6,4 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Bắc Nghệ An (Vietinbank Bắc Nghệ An), rồi cùng với một số người góp tiền đóng tàu trị giá 10,7 tỷ đồng. Đến nay, ông mới trả được cả gốc và lãi gần 1 tỷ đồng. Một thời gian, ông không có tiền để trả nợ nên ngân hàng đã khởi kiện ra tòa.

Ngày 29/9/2020, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã xử sơ thẩm buộc ông phải trả 5,86 tỷ đồng và tiền lãi, nếu không sẽ phát mại tàu cá và tài sản thế chấp.

“Để đóng được tàu, ngoài tiền vay, tôi đã phải bỏ ra 4,5 tỷ đồng và 3 sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng. Thời gian qua, do điều kiện khó khăn khách quan, dịch Covid-19… nên không trả được nợ. Gần một năm nay, tàu cá của tôi năm bờ, thiệt hại quá lớn. Giờ đây, tàu lại bị kê biên tài sản biết làm sao mà đi biển để trả nợ. Tôi đề nghị ngành chức năng tạo điều kiện để chúng tôi tiếp tục đi biển để trả nợ”, ông Họa nói.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Khắc Thìn ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nhiều ngày nay buồn bã khi tàu cá 67 đã bị phát mại tài sản.

Ông cho biết, khi có chủ trương đóng tàu cá theo Nghị định 67, ông bán tàu cũ, cùng với một số người khác huy động tiền và mượn 5 sổ đỏ để thế chấp vay của Vietinbank Bắc Nghệ An 7,1 tỷ đồng để đóng tàu cá công suất 820CV với chi phí 10,5 tỷ đồng.

“Theo quy định Nghị định 67 thì tài sản thế chấp là con tàu chứ không phải thế chấp sổ đỏ. Thế nhưng, tôi đành phải thế chấp 5 sổ đỏ của gia đình và người thân mới vay được tiền ngân hàng. Thời gian đầu đã trả nợ được gần 1 tỷ nên ngân hàng mới trả cho 2 sổ, còn 3 sổ đỏ ngân hàng đang giữ. Gần đây, nhiều chuyến đi biển, gia đình phải bù lỗ cả trăm triệu đồng, không có tiền để trả ngân hàng nên bị kiện ra tòa. Lẽ ra, ngân hàng phải giãn nợ cho chúng tôi đi biển trả dần”, ông Thìn than thở.

Xã Quỳnh Long có 14 hộ tham gia đóng tàu cá 67. Trong đó, có 10 tàu đang hoạt động đánh bắt, 4 tàu bị tòa án khởi kiện và bị kê biên tài sản.

Ông Vũ Ngọc Chắt, Phó chủ tịch HĐND xã kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, do chi phí vận hành, bảo trì, thuê nhân công tăng; ngư trường hạn hẹp, diễn biến thời tiết thất thường, sự quấy nhiễu, cản trở của tàu cá nước ngoài, giá hải sản không tăng… nên đánh bắt không hiệu quả.

Khi đóng tàu, chi phí trên 10 tỷ đồng thì hiện nay, 4 tàu cá bị phát mãi tài sản, mỗi tàu chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng. Hiệp hội Nghề cá xã đã nhiều lần tham mưu cho chính quyền những kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

Tại xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai có 12 chủ tàu vay vốn ngân hàng để đóng tàu cá 67. Trong quá trình đánh bắt, 3 tàu bị cháy, 5 tàu bị ngân hàng khởi kiện ra tòa, trong đó có 1 tàu đang kháng án.

Ông Phan Thế Huy, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương cho hay, UBND xã làm trung gian giữa ngư dân và ngân hàng. Thực tế, nhiều tàu cá 67 thời gian qua đánh bắt không hiệu quả. Xã và các xóm đã thống kê rất kỹ, không có tình trạng chủ tàu cá 67 chây ì không trả nợ cho ngân hàng mà thực sự khó khăn do khách quan mang lại nên không trả được gốc lẫn lãi.

Trên 50% số tàu cá 67 hoạt động không hiệu quả

img

Hai trong số nhiều tàu cá 67 của ngư dân neo ở cảng Lạch Quèn không được vươn khơi do bị phát mại tài sản

Theo thống kê, Nghệ An có 104 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 với tổng công suất máy chính theo thiết kế là 83.832 CV. Trong đó, vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ composite 5 tàu. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 là 860 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ tàu gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nợ ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến tháng 2/2021, có 31 tàu hoạt động có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng cam kết; 59 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết, dư nợ 438,4 tỷ đồng, dư nợ gốc quá hạn là 121,7 tỷ đồng.

Trong số đó, có 51 khách hàng bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu là 366,6 tỷ đồng; 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản dư nợ 39,3 tỷ đồng; 5 tàu không thể hoạt động do gặp rủi ro trong quá trình khai thác, dư nợ 39,1 tỷ đồng.

Hiện nay, hầu hết các chủ tàu nằm trong danh sách nợ xấu đang trong thế “ngồi trên lửa”, họ đề nghị các ngân hàng giải chấp đối với các sổ đỏ đang thế chấp; cho phép các chủ tàu được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… Các chủ tàu cũng mong muốn cơ quan hữu quan có phương án tạo điều kiện cho ngư dân trả nợ mà không bị kê biên, phát mại tài sản.

Trong số các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì Vietinbank Bắc Nghệ An cho vay nhiều nhất với 27 tàu, dư nợ trên 160 tỷ đồng, trong đó có 50% là nợ xấu. Trong đó, có 2 tàu bị chìm, 7 tàu phải khởi kiện ra tòa.

Một cán bộ ngân hàng lý giải: “Không có việc dân bị ép để thế chấp sổ đỏ, khi cho vay, có sự thống nhất của ngư dân thì ngân hàng mới làm thủ tục vay vốn được. Nhiều hộ đi suốt cả năm không trả một đồng nào tiền gốc và lãi. Họ đề xuất cơ cấu nợ để giảm tải trả nợ cho ngân hàng, nhưng nếu tái cơ cấu nợ, theo quy định không chỉ các chủ tàu sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất 4% của Nhà nước, mà còn nhiều vướng mắc khác”.

Ông Dương Minh Tân, Giám đốc Vietinbank Bắc Nghệ An cho biết: “Ngay từ đầu, ngân hàng xem như đã “ngồi chung thuyền” với ngư dân. Thế nhưng, nhiều chủ tàu suốt cả năm trời không trả một đồng nào. Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải khởi kiện ra tòa. Nhiều chủ tàu xin giãn nợ nhưng họ không trình ra được phương án khả thi để trả nợ sau đó. Nếu có phương án, ngân hàng sẽ xem xét kỹ thì mới được phép cho giãn nợ. Cho nên mọi việc ngân hàng phải thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.