Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) ủng hộ việc QH cho chủ trương để Chính phủ lập báo cáo tiền khả thi dự án Cảng hàng không Long Thành |
Đừng sợ nợ mà không làm, quan trọng là có trả được nợ hay không?
Thảo luận dự án CHK Long Thành chiều nay tại QH, ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị QH hoặc xem xét thông qua chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận ý tưởng đầu tư có kèm phương án cân đối vốn. Ông Thường cũng đề nghị CP làm rõ 3 điểm: cần đa nguồn vốn, phân kỳ đầu tư phải cân nhắc thêm có phương án nào hiệu quả hơn không và phương án khai thác phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả.
Cũng ủng hộ cần sớm triển khai dự án, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu quan điểm, Nghị quyết QH đã xác định hạ tầng là một trong những giải pháp đột phá, cần xây dựng KCHT đồng bộ đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Tin Bộ trưởng Bộ GTVT không phụ niềm tin của cử tri ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu đồng tình việc QH cho chủ trương đầu tư CHK Long Thành. Lý giải quyết định này khi thừa nhận mình không làm trong ngành kinh tế, ĐB Nguyễn Thái Học nói: Tôi có niềm tin vào Chính phủ và Bộ GTVT. Để có dự án trình QH, Chính phủ đã có sự phân tích kỹ, thận trọng. Thực tế không có việc gì có thể chờ hội đủ các yếu tố mới quyết tâm làm. Vừa qua, ngành GTVT đã có những việc làm, quyết liệt triển khai các dự án lớn, tạo cơ sở hạ tầng thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước phát triển. Nếu QH quyết định đồng ý cho chủ trương đầu tư Long Thành, có nghĩa đã giao cho Bộ trưởng GTVT một trọng trách to lớn và tôi tin Bộ trưởng GTVT không làm phụ lòng niềm tin của đồng bào và cử tri. |
Dự án Cảng hàng không Long Thành là cấp thiết, phù hợp quy hoạch được duyệt, với quy hoạch vùng và quy hoạch các dự án giao thông khác như cao tốc TPHCM Long Thành Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành. Đặc biệt dự án này được triển khai trong một vùng kinh tế hết sức năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Theo ĐB Trương Văn Vở, những lo lắng của dư luận, của nhiều ĐBQH về dự án là đúng, có nhiều câu hỏi khó nhưng chúng ta giải được. Tại kỳ họp này, QH nên thống nhất xem xét cho chủ trương lập dự án để kỳ họp sau quyết định chủ trương đầu tư.
Cụ thể, dự án tiền khả thi phải làm rõ được tác động của dự án, khả năng cạnh tranh với các sân bay khu vực. Về nguồn lực, ngoài vốn ngân sách, cần huy động cả vốn quốc tế và vốn tư nhân. Các nước khác đều làm thế. Các quốc gia khác đều thế. Đừng sợ vì nợ mà không dám làm, quan trọng là khả năng trả nợ được hay không.
Tôi đề nghị phải minh bạch suất đầu tư, hiện nay là cao so với khu vực. CP phải làm rõ dùng Tân Sơn Nhất như thế nào khi có Long Thành, kêu gọi đầu tư, phương án đầu tư, công bố rõ rồi bồi thường, tái định cư, đào tạo nghề cho dân vùng dự án. Đây là việc cần đi trước, làm được sẽ tạo được lòng tin cho nhân dân, biến thách thức thành cơ hội, ĐB Trương Văn Vở đề nghị.
Báo cáo tiền khả thi sẽ giải đáp các thắc mắc
Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố không nên mở rộng, vừa mất an toàn vừa quá tải cho đô thị. Biên Hòa là căn cứ không quân lại nhiễm độc dioxin. "Do vậy việc xây mới một cảng hàng không ở Long Thành là phù hợp. Từ bây giờ đến khi đưa vào sử dụng được Long Thành cần 10 năm. Chúng ta có thể tìm các nguồn đầu tư hợp lý", ông Bình nói.
ĐB Bình đồng tình phương án ngân sách dành cho GPMB, tái định cư, vốn xây dựng thì dùng vốn vay ODA, doanh nghiệp vay lại của Chính phủ, cộng thêm các nguồn vốn xã hội hóa. Theo ông Bình: "Huy động vốn như vậy là phù hợp, như đường Hà Nội - Hải Phòng chưa đầu tư xong nhưng nhà đầu tư Ấn Độ đã đồng ý mua lại quyền khai thác 70% giá trị dự án. Sân bay Phú Quốc cũng có thể xem xét bán 49% cho nước ngoài". ĐB của Hải Phòng nói: "Tôi cho rằng nếu đồng ý chủ trương cho xây dựng Long Thành thì những câu hỏi còn thắc mắc sẽ được trả lời trong báo cáo tiền khả thi của dự án".
Nói không đồng ý thì chưa thỏa đáng
Băn khoăn về dự án, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng cần có sự chuẩn bị thêm trước khi quyết định đầu tư Long Thành. Ông Hùng nêu ra 3 vấn đề: Hiệu quả dự án có được đánh giá quá lạc quan; làm rõ cơ cấu vốn, cần đánh giá tác động của dự án và tương quan với các phương án khác (công suất 100 triệu khách có cần đến 5.000ha?...). Theo ông Hùng, 24.000 tỷ là ngân sách nhà nước giai đoạn 1. Trong khi ODA là nhà nc cho vay lại và có nghĩa vẫn phải tính vào nợ công. Hay như nói hợp tác công tư, vậy thì công bao nhiêu, tư bao nhiêu, phải làm rõ. |
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: "Đây là Dự án lớn, cần đầu tư dài hơi. Tôi đồng ý là chúng ta phải có dự án xứng tầm. Tôi đặc biệt tán thành vị trí xây ở Long Thành. Quốc hội muốn Dự án này phải đảm bảo tính khả thi cao. Nếu bảo đồng ý thì chưa yên tâm, còn không đồng ý thì chưa thỏa đáng".
ĐB đề nghị Chính phủ trả lời một số câu hỏi: Thứ nhất, Dự án đầu tư 3 giai đoạn, nay mới báo cáo 1 giai đoạn, còn lại chỉ là khái toán. Vì vậy, cần làm rõ để đưa vào việc báo cáo khả thi tới đây để Quốc hội xem xét.
Thứ hai là xác định vị trí chức năng của sân bay. Các sân bay của Thái Lan, Singapore, Malaysia... cũng có vị trí tương tự. Nay chúng ta chỉ ước tính, khách là khách trên trời nên cần tính toán số lượng khách cho đúng.Còn về cơ chế đặc thù, thực chất cũng là ngân sách Nhà nước nên cần giải trình cho rõ. Đối với vấn đề thu hồi đất, GPMB, nói tiết kiệm tiền nhưng người dân có chịu không?
Kiến nghị QH sớm thông qua chủ trương
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá: "Năm 2020 thành nước công nghiệp thì phải có sân bay quy mô. Xung quanh chúng ta, các nước cơ sở hạ tầng của họ tốt hơn nhiều. Bắt kịp họ đã khó chứ chưa nói vượt họ. Nay đầu tư Long Thành là đã trễ lắm rồi. Tân Sơn Nhất đã quá tải, Biên Hòa càng không thể, hạ tầng như thế sao cạnh tranh, cải tạo Tân Sơn Nhất chỉ mang tính chắp vá".
Câu hỏi đặt ra là đầu tư thời điểm này phù hợp chưa? Thế giới mất 8 – 10 năm mới có một sân bay quy mô như Long Thành. Do đó, ngay từ nay phải tiến hành các bước chuẩn bị. Tôi kiến nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư, làm sao dự án càng nhanh càng tốt. Nếu không làm ngay, sẽ lỡ nhịp phát triển, ĐB Thuyền nói.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu và làm rõ tại kỳ họp tới
Kết thúc phần thảo luận tại hội trường về dự án CHK Long Thành, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong hơn 30 đại biểu đăng ký phát biểu chiều nay, phần lớn đều đồng ý hoặc đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Các ý kiến phát biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: Sự cần thiết đầu tư dự án, khả năng huy động vốn, ảnh hưởng đến nợ công thế nào, phân kỳ đầu tư, tính toán lại tổng mức, chi phí đầu tư, làm rõ phương án tái định cư, bồi thường một hay nhiều lần, tính toán phương án tăng trưởng về hành khách trong mối tương tác và khả năng khai thác của Tân Sơn Nhất..
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Đây là dự án lớn, quan trọng, các ý kiến góp ý rất đúng. Dự án này sẽ được QH cho ý kiến và cho chủ trương đầu tư tại 2 kỳ họp. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, phân tích làm rõ thêm các ý kiến, tổ chức hội thảo, các chuyên gia, làm rõ các luồng dư luận xã hội, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.
Minh Thành - Anh Thiện
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận