Lãnh đạo Hải Âu cho biết, hãng này đã lỗ gộp cả trăm tỷ đồng sau gần 4 năm hoạt động |
Kinh doanh hàng không chung đang… đốt tiền
Dùng từ “èo uột” để miêu tả hoạt động kinh doanh hàng không chung tại Việt Nam hiện nay, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, đồng thời cũng là cựu Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu cho hay, hiện tại, dù có tới 6 doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung nhưng thực chất chỉ có 2 hãng là Tổng công ty Trực thăng VN (VNH) và Công ty CP Hàng không Hải Âu thực sự hoạt động. Trong đó, trừ VNH là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng vẫn đang tạm có lãi do có hợp đồng với dầu khí, tất cả doanh nghiệp còn lại đều đang “đốt tiền”.
Thừa nhận đang rất khó khăn, Chủ tịch HĐQT Hàng không Hải Âu Trần Trọng Kiên cho hay, hãng này đã đầu tư tới 350 tỷ đồng cho Hải Âu và đã lỗ gộp hơn 100 tỷ đồng, bất chấp thị trường rất tiềm năng và doanh nghiệp vô cùng nỗ lực.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, hàng không Hải Âu từng tham vọng phát triển đội bay lên tới 30 chiếc trên cả nước trong 10 năm. Thế nhưng sau gần 4 năm hoạt động, DN này mới chỉ có 4 tàu bay, gồm 3 chiếc lắp phao thủy phi cơ và 1 tàu bay lắp bánh thông thường. Hiện tại, các hoạt động bay ở vịnh Hạ Long chỉ đủ cho 2 chiếc thủy phi cơ, Hải Âu phải đưa 1 chiếc ra nước ngoài bay thuê.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không chung Bầu Trời Xanh (Blue Sky) Đỗ Anh Quân cho biết, thực sự đam mê hoạt động hàng không chung và đã chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường từ năm 2010. “Thị trường chúng tôi khảo sát rất tiềm năng, nhưng khi hoạt động lại quá nhiều rào cản. Chúng tôi sẵn sàng hoạt động cầm chừng chờ tháo gỡ về cơ chế, có thể chấp nhận lỗ trong thời gian đầu. Nhưng nếu cứ “đốt tiền” trong một thời gian dài thế này, chúng tôi không có khả năng để duy trì”, ông Quân chia sẻ.
Phía Tổng công ty Trực thăng VN - doanh nghiệp được cho là làm ăn tốt nhất trong lĩnh vực hàng không chung, Phó tổng giám đốc Trần Đình Nam cho biết, cũng “đã qua rồi thời hoàng kim” khi giá xăng dầu tăng cao và doanh nghiệp này khai thác đỉnh điểm tới 16-17 nghìn giờ bay mỗi năm”. “Hiện tại, tuy vẫn có lãi, nhưng các dấu hiệu khó khăn đã rất rõ ràng, suy giảm tới 40%. Chúng tôi đang phải co cụm lại, hoạt động cầm chừng và chuyển hướng tìm cơ hội xuất khẩu máy bay”, ông Nam nói.
Đáng lưu ý, những khó khăn này của doanh nghiệp lại rất khó giải thích nếu nhìn từ góc độ thị trường. Hay nói cách khác, thị trường hàng không chung đang được đánh giá là rất tiềm năng trong khi doanh nghiệp cứ thua lỗ dài.
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, thị trường hàng không chung tại các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung đang phát triển rất mạnh mẽ. Hàng loạt các hãng hàng không kinh doanh hàng không chung được thành lập. Nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không chung tăng cao, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ…
Các chuyên gia cũng dự báo thị trường vận tải bằng máy bay trực thăng dân dụng và máy bay cánh bằng loại nhỏ sẽ tăng trưởng liên tục trong thập kỷ tới. Trong đó, các dịch vụ vận tải hàng không phục vụ dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, taxi hàng không... là những lĩnh vực “hứa hẹn” nhất.
Hàng loạt doanh nghiệp đối mặt nguy cơ rút giấy phép
Ngoài 2 doanh nghiệp đang có hoạt động khai thác thực sự là VNH và Hải Âu như đã nói trên, một báo cáo mới đây của Cục Hàng không VN cho thấy có tới phân nửa số doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị huỷ giấy phép kinh doanh hàng không chung. Cụ thể, Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt được cấy giấy phép từ năm 2011. Tuy nhiên, sau 7 năm, doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) và chưa bắt đầu khai thác trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày cấp phép kinh doanh.
Tương tự, Blue Sky cũng được cấp giấy phép từ năm 2010, nhưng sau 8 năm vẫn chưa có AOC. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kỳ vọng “cung cấp các chuyến bay trực thăng cho khách hàng là các nhân vật quan trọng (VIP), dịch vụ bay thuê theo chuyến, bay du lịch, bay ngắm cảnh Sài Gòn, cung cấp dịch vụ bay taxi” vẫn chỉ là… kỳ vọng.
Cũng như vậy, Công ty CP Hàng không Hành Tinh Xanh được cấp phép năm 2012. Việc cất cánh tưởng như đã gần hơn bao giờ hết khi doanh nghiệp này đã nhập khẩu tới 5 tàu bay cho các kế hoạch của mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến giờ này Hành Tinh Xanh vẫn chưa thể sở hữu Giấy chứng nhận AOC.
“Theo Nghị định 92 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, các công ty này đều thuộc đối tượng phải huỷ Giấy phép kinh doanh hàng không chung do chưa được cấp AOC và chưa thực hiện khai thác kinh doanh trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp phép”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho hay.
Hàng không chung là hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hoá, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận