Nhiều dự án mới được "khai sinh"
UBND tỉnh Hòa Bình vừa chấp thuận Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC (HVC Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm (gọi tắt Liên danh HVC Group - Hồ Gươm) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC đứng đầu liên danh.
Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa có tổng vốn đầu tư dự án 791,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 118,77 tỷ đồng. Quy mô dân số dự kiến 1.396 người. Cơ cấu sử dụng đất gồm: Đất ở 8,15ha (đất ở biệt thự, đất nhà ở xã hội); Đất thương mại dịch vụ 7.877m2; Đất đường giao thông 4,3ha... Sơ bộ về cơ cấu sản phẩm nhà ở thương mại gồm 263 lô đất ở biệt thự có tổng diện tích 6,52ha, trong đó có 27 căn hoàn thiện xây thô.
Tiến độ thực hiện dự án, từ quý I/2023 đến quý II/2023 sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư; từ quý III/2023 đến quý IV/2025 dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình. Hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động quý I/2026.
Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã chấp thuận Liên danh Công ty Cổ phần Xuân Cầu Holdings và Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Phố (CityLand) đầu tư dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi tại huyện Lương Sơn.
Dự án này có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 60,4ha, nằm tại thị trấn Lương Sơn, xã Tân Vinh, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, quy mô dân số 6.716 người.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 5.518 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng là 5.234 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (tạm tính) là 285 tỷ đồng.
Toàn dự án sẽ có 1.679 căn nhà, trong đó gồm 816 căn biệt thự đơn lập, biệt thự song lập và 863 căn liền kề. Trong đó, xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 1.247 căn nhà ở (gồm 622 căn nhà ở liền kề - nhà phố thương mại; 241 căn nhà ở liền kề - nhà phố thương mại có vườn; 131 căn nhà biệt thự đơn lập; 173 căn nhà biệt thự song lập; 80 căn nhà biệt thự song lập thương mại).
Ngoài ra, sẽ có công trình thương mại dịch vụ cao 5 tầng trên khu đất rộng 2,1 ha. Dự án không thuộc đối tượng phải bố trí 20% quỹ đất ở để dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh các dự án mới, Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết trên địa bàn có 19 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án.
Giao thông - đòn bẩy bất động sản nghỉ dưỡng
Sự đổ bộ của doanh nghiệp bất động sản vào địa phương này đã nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư bởi tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng với lợi thế, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và ấn tượng cộng với sự ưu ái từ thiên nhiên, Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng nhờ sở hữu mạch khoáng nóng quý hiếm.
Thực tế, hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là đòn bẩy khiến bất động sản Hòa Bình phát triển, điển hình phải kể đến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình giai đoạn 2 với 6 làn xe; cải tạo quốc lộ 70, quốc lộ 15, quốc lộ 21, đường vành đai 5... Đoạn qua tỉnh Hòa Bình; phối hợp với tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu…
Song TS Nguyễn Văn Đính cho rằng kết nối hạ tầng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa, tốt hơn để thu hút đầu tư lớn hơn. "Bản thân Hòa Bình cũng đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung.
Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra nhiều hàng. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư", Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho rằng khâu đấu thầu được tôn trọng và làm bài bản, đảm bảo yêu cầu chính sách và pháp luật. Hòa Bình luôn mong muốn đón nhận nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần vào sự phát triển chung mạnh mẽ và bền vững cho tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận