Thị trường

Nhiều doanh nghiệp “làm hàng” Trung Quốc khôn khéo hơn Asanzo

28/06/2019, 07:32

Câu chuyện hàng xuất xứ Trung Quốc không có gì lạ nhưng Asanzo lừa dối trắng trợn nguồn gốc, xuất xứ nên mới dễ bị “bóc mẽ”.

img

Trao đổi với Báo Giao thông, CEO Vinalink Hà Anh Tuấn (ảnh trên) cho rằng, Asanzo lừa dối trắng trợn nguồn gốc, xuất xứ nên bị “bóc mẽ” dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng “làm hàng” Trung Quốc, song khôn khéo hơn, nên vẫn rất thành công ở Việt Nam.

Lừa dối người tiêu dùng, trước sau cũng phải trả giá

Sau Asanzo, người tiêu dùng mới vỡ lẽ hàng loạt thương hiệu điện máy, đồ gia dụng đình đám khác tại Việt Nam như: Sunhouse, Goldsun, Kangaroo… cũng dính nghi án gốc gác Trung Quốc. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Có thể nói, khoảng 90% sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam (VN) có xuất xứ Trung Quốc (TQ). Không chỉ hàng tiêu dùng, hầu hết dây chuyền, máy móc tại VN cũng đều từ nước này.

Câu chuyện xuất xứ TQ không có gì lạ và chúng ta phải thừa nhận. Vì nền sản xuất của chúng ta còn thiếu và yếu, chi phí giá thành cao, giá bán cao. Trong khi đó, hàng TQ “thượng vàng hạ cám”, giá nào cũng có, đáp ứng được nhu cầu mọi lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng, ở hầu hết phân khúc. Tuy nhiên, quá trình đặt hàng đối tác TQ, các doanh nghiệp VN thường tìm mọi cách hạ giá tối đa sản phẩm, do đó hàng TQ đến tay người tiêu dùng VN, một tỷ lệ lớn là chất lượng kém. Vậy nên, vấn đề là sự lựa chọn của các doanh nghiệp, thương nhân VN chứ không phải “lỗi” do nhà sản xuất TQ như phần lớn người tiêu dùng vẫn “ác cảm” lâu nay.

Chính vì sợ ác cảm nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hàng TQ mới tìm cách “đội lốt” hàng VN?

Một doanh nghiệp VN, khi bắt tay kinh doanh xe đạp điện chẳng hạn, sẽ có hai cách để “làm ăn”. Cách thứ nhất, sẽ lựa chọn một mẫu xe “vừa mắt” đã và đang phân phối tại thị trường TQ rồi đàm phán nhập nguyên chiếc. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận, DN sẽ phải “mặc cả” với đối tác TQ, mức giá chỉ bằng một nửa so với mức giá họ đang bán. Giá giảm, đương nhiên chất lượng phải giảm! Nhà sản xuất TQ giỏi ở chỗ đó, giá nào họ cũng làm được.

Cách thứ hai là đặt hàng đối tác sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng do mình đặt ra, rồi truyền thông cho thương hiệu đó. Sau một thời gian đặt hàng nguyên chiếc, DN có thể tự sản xuất những sản phẩm đơn giản như xoong, chảo. Còn những sản phẩm có “dính” đến điện tử như: Máy lạnh, điều hòa, máy xay sinh tố… thường thì họ vẫn đặt hàng phần lớn linh, phụ kiện, chỉ sản xuất một vài bộ phận đơn giản còn lại và “biến” nó thành sản phẩm, thương hiệu của VN.

Thường thì các sản phẩm dạng này sẽ được kiểm soát chất lượng khắt khe hơn, kèm đó là chế độ bảo hành, dịch vụ hậu mãi… Cách làm này rõ ràng bài bản hơn, giúp DN “lấy lòng” người tiêu dùng tốt hơn và cũng bán được giá cao hơn rất nhiều. Và cách này đang được nhiều doanh nghiệp VN làm rất khéo và họ vẫn rất thành công.

Như vậy có thể coi là lừa dối người tiêu dùng không, thưa ông?

Asanzo lừa dối trắng trợn nguồn gốc, xuất xứ nên bị “bóc mẽ” dễ dàng. Song phần lớn các DN khác có cách làm khôn ngoan hơn. Ví dụ, thành lập công ty, đăng ký thương hiệu, bản quyền ở nước ngoài, như Hàn Quốc chẳng hạn, rồi liên doanh hoặc có hợp đồng nhượng quyền thương hiệu cho doanh nghiệp VN. Và sản phẩm của DN này có thể “đàng hoàng” xuất hiện là của thương hiệu Hàn Quốc!

Tiếp theo là thuê DN, chuyên gia nước ngoài (thường là các nước có tên tuổi về công nghệ như: Nhật Bản, Đức, Australia…) quản lý, giám sát, xây dựng quy trình ISO… Như vậy, khi truyền thông có thể gọi là công nghệ Nhật Bản, hay công nghệ Đức.

Do vậy, đã không ít sản phẩm của những DN kiểu này tung ra thị trường có tới 4 quốc gia xuất hiện trong nhãn hàng hóa: Thương hiệu Hàn Quốc, công nghệ Nhật Bản, xuất xứ TQ, sản xuất tại VN... Tuy nhiên, chữ xuất xứ TQ thường có cỡ bé tí, thậm chí dán ở đáy sản phẩm, trong khi tên những quốc gia hoành tráng kia được in to, rõ ràng, nổi bật và dán ở vị trí dễ nhìn nhất.

Đứng ở góc độ marketing, bán hàng, DN làm khá tốt. Nhưng theo ông, DN có nên lạm dụng cách làm này nếu muốn gây dựng thương hiệu uy tín và phát triển bền vững?

Đương nhiên, để gây dựng, phát triển thương hiệu bền vững thì phải đầu tư rất lớn, bài bản. Song, gốc gác của vấn đề vẫn là ngành sản xuất của chúng ta có gì? Thẳng thừng mà nói, chúng ta đang bị ảnh hưởng quá lớn bởi TQ, từ máy móc phụ tùng, linh phụ kiện đến hàng hóa tiêu dùng. Rất nhiều sản phẩm, nếu doanh nghiệp VN tự sản xuất từ A đến Z thì chi phí rất lớn, không thể cạnh tranh nổi, nên không tội gì sản xuất. Vấn đề là kiểm soát chất lượng và minh bạch thông tin, giá cả. Còn nếu lừa dối người tiêu dùng, thì trước sau cũng phải trả giá, mà Khải Silk là một bài học “kinh điển”.

Nhưng thế nào thì được gọi là hàng VN? Quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa rõ ràng, nên DN tội gì không lách?

Trong trường hợp DN nhập nguyên chiếc thì phải có nhãn, mã vạch và nhãn phụ VN, trong đó ghi rõ xuất xứ. Nhưng với những sản phẩm gia dụng như máy giặt, máy lạnh, có sự gia công tại VN, thì quy định chưa rõ ràng (ngoại trừ ô tô, xe máy có quy định tỷ lệ nội địa hóa).

Theo tôi, để được coi là hàng “made in Việt Nam”, cần phải có một trong hai điều kiện: Một là biến đổi công năng, hai là tỷ lệ đóng góp. Ví dụ, thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài vào VN, rồi sản xuất thành xúc xích thì sản phẩm xúc xích là “made in Việt Nam”. Tương tự như vậy là nhập vải bán áo, nhập da bán giày… Trường hợp thứ hai, là tỷ lệ đóng góp của yếu tố VN tính theo giá trị, mà tỷ lệ có thể tương đương dạng linh kiện tối thiểu CKD (40%), hoặc IKD (60%) trong sản xuất ô tô, xe máy. Ví dụ, một chiếc máy giặt được coi là “made in Việt Nam” khi tổng giá trị các sản phẩm sản xuất tại VN phải chiếm tối thiểu 40% hoặc 60% giá thành chiếc máy giặt đó.

Bộ Công thương trả lời vòng vo, hời hợt
Liên quan đến vụ việc Asanzo và câu chuyện nhập nhèm thương hiệu Việt, ngày 26/6, Báo Giao thông đã đặt hàng loạt câu hỏi với Bộ Công thương: Hiện đã có quy định, hướng dẫn thế nào là hàng VN cũng như hàng VN chất lượng cao? Công tác thanh kiểm tra việc tuân thủ của doanh nghiệp ra sao, có câu chuyện lợi dụng chính sách để gian lận xuất xứ, trốn thuế không? Từ câu chuyện Asanzo và trước đó là Khải Silk, Bộ Công thương có rà soát, tổng kiểm tra việc đánh giá chất lượng hàng hóa thế nào hay không, trên cơ sở đó sửa đổi chính sách ra sao?... Cả Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách phát ngôn Đỗ Thẳng Hải cũng như một số vụ cục chức năng đùn đẩy, né tránh trả lời.

Sau nhiều lần thúc giục, chiều 27/6, văn phòng Bộ Công thương mới gửi văn bản qua mail cho Báo Giao thông, song nội dung dài dòng, vòng vo, gần như không có thông tin, đại ý: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh…

Bộ này cho biết, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất, song không nêu cụ thể mốc thời gian!

Phát huy lợi thế quốc gia thế nào?

img
Tivi hiệu Asanzo nhập từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp được gắn thương hiệu Việt. Ảnh: Tuổi trẻ

Thực tế đang có hiện tượng tung hô cho sản phẩm “hồn China da Việt Nam” lợi dụng lợi thế thương hiệu quốc gia khiến người tiêu dùng lầm tưởng?

Có thực tế này! Bên cạnh quy định pháp luật chưa rõ ràng thì việc tôn vinh vô tội vạ, thậm chí bán giải thưởng cho DN, thương hiệu không xứng đáng cũng là một hình thức tiếp tay cho DN lừa người tiêu dùng?

Nhà nước phải siết các giải thưởng, tiêu chí chấm. Những chương trình tôn vinh, trao giải kèm đóng góp kinh phí nhất định phải dẹp. Một số chương trình lớn như Hàng VN chất lượng cao, Sao Vàng Đất Việt, tôi nghĩ mua - bán giải thưởng thì không có nhưng vì người ta tài trợ nên nể nang, ưu ái xét giải là có.

Nếu ngày càng nhiều những DN chọn cách làm khôn khéo như Goldsun, Sunhouse hay Kangaroo thì liệu rằng còn doanh nghiệp Việt nào muốn sản xuất? Và cứ như vậy, chúng ta sẽ chẳng thể nào có những sản phẩm “made in Việt Nam” đúng nghĩa?

Cái này là lợi thế cạnh tranh quốc gia, không thể ép được DN và cũng không thể trách họ. Chúng ta ở sát sườn một công xưởng lớn của thế giới là TQ và hàng của họ xuất hiện ở mọi quốc gia chứ không riêng VN. Bao nhiêu năm qua rồi, sản xuất của chúng ta không “đấu” nổi với họ và nhiều năm sau nữa cũng vậy.

Vấn đề là phải hiểu lợi thế quốc gia là gì? VN có một số lợi thế quốc gia mà TQ và nhiều nước thua, như gia công hàng luxury Hermes, Louis Vuitton chẳng hạn. Nhưng thay vì gia công như lâu nay, giờ chúng ta có thể bắt tay sản xuất. Muốn vậy phải có đội ngũ thiết kế và chúng ta phải mạnh tay tìm các nhà thiết kế lớn, có tầm cỡ. TQ đi vào hàng công nghiệp thì mình đi vào hàng xa xỉ.

VN từ trước tới nay làm thủ công nhưng thường là hàng phế phẩm hoặc hàng chất lượng không cao như: Giỏ mây, nón, quạt… thu về mỗi sản phẩm chỉ mấy chục nghìn đồng. Cũng là chiếc nón, nhưng nếu là của Gucci có thể bán giá gấp trăm, gấp nghìn lần. Vậy nên hãy chuyển hướng sản xuất chất lượng hoặc hàng cao cấp. Muốn vậy, làng nghề phải liên kết, đào tạo, nâng cao tay nghề. Và khi trở thành quốc gia gia công hàng xa xỉ hàng đầu thế giới thì các mặt hàng khác cũng ăn theo. Nên đừng đi vào sản phẩm bắt chước, đuổi theo, giá thấp.

Hay như công nghệ nước ngoài thì TQ cũng không cạnh tranh được. Do đó, chúng ta có thể tranh thủ đón làn sóng dịch chuyển của Samsung, Apple từ TQ sang. Muốn vậy phải chuẩn bị về nguồn nhân lực, về hạ tầng, về cơ chế chính sách…

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.