Hàng hải

Nhiều doanh nghiệp mua tàu nước ngoài bất ngờ xin treo cờ Việt Nam

02/03/2021, 15:12

Các doanh nghiệp Việt Nam mua tàu nước ngoài đồng loạt xin treo cờ Việt Nam để có điều kiện phát triển thuận lợi...

img

Việc cấp phép cho các tàu vận tải dầu thô tải trọng lớn treo cờ Việt Nam sẽ giúp đội tàu Việt Nam tăng được sự hiện diện và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế - Ảnh minh họa

Cục Hàng hải VN vừa tổ chức lấy kiến của các chi cục trực thuộc liên quan đến đề nghị xin treo cờ Việt Nam cho 4 tàu vận chuyển dầu thô của Công ty TNHH Vận tải Dầu khí Sao Việt và Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long.

Thống kê của Cục Hàng hải VN, tính đến cuối năm 2020, đội tàu vận tải dầu, hóa chất mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện có 159 tàu, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ và trung, trong đó có 7 tàu dầu thô với tổng trọng tải lớn, bình quân trên 100.000 tấn/tàu.

Trong 7 tàu dầu thô, có 2 tàu chuyên tuyến vận tải nội địa từ các mỏ ngoài khơi về Nhà máy lọc dầu trong đất liền, 5 tàu được doanh nghiệp đưa đi khai thác tuyến quốc tế.

Trước đó, trong văn bản gửi tới Bộ GTVT, hai doanh nghiệp này cho biết, theo nghiên cứu, trong tương lai gần, nhu cầu thị trường vận chuyển dầu thô bằng đường biển tại Việt Nam cần từ 10 - 15 tàu trọng tải từ 100.000 - 300.000 DWT. Trong khi hiện tại, ở nước ta mới chỉ có 6 tàu trọng tải từ 105.000 - 115.000 DWT.

Trên cơ sở nhu cầu của thị trường, Công ty TNHH Vận tải Dầu khí Sao Việt đã đầu tư hai tàu: Searacer trọng tải hơn 164.000 DWT (đóng năm 2002) và tàu Eagle Tampa (đóng năm 2003) tải trọng hơn 107.000 DWT.

Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long đầu tư hai tàu: Star Osprey và Star Swift trọng tải gần 115.000 DWT (đóng năm 2003).

Đề cập đến lý do xin treo cờ Việt Nam, hai doanh nghiệp cho biết, hiện nay, việc treo cờ nước ngoài vận chuyển dầu thô trong nước đang khiến công ty gặp nhiều khó khăn về phí đại lý.

Cụ thể, về chi phí đại lý, tàu lai và phí cảng dành cho tàu nước ngoài tại Việt Nam đối với tàu trên 100.000 DWT mang cờ nước ngoài khoảng 130.000 - 140.000 USD. Trong khi đó, chi phí này đối với tàu mang cờ Việt Nam chỉ mất khoảng 40.000 - 45.000 USD.

Nghị định 171/2016 thay thế Nghị định số 161/2013 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển của Chính phủ quy định giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tiên tại Việt Nam đối với loại tàu chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi không quá 20 năm do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định.

Trên cơ sở đó, những công ty này mong muốn các tàu sẽ được Bộ GTVT cho phép đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam để có cơ hội nâng cao năng lực vận tải, giữ vững thị trường vận tải đường biển nội địa và mở rộng ra thị trường vận tải quốc tế.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Chi cục Hàng hải tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, đội tàu Việt Nam vẫn thiếu loại tàu trọng tải lớn nên sức cạnh tranh trên thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao.

“Vì vậy, tại văn bản góp ý, Chi cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh ủng hộ việc doanh nghiệp đầu tư tàu và xin treo cờ Việt Nam. Những con tàu lớn không chỉ giúp tăng sự hiện diện đội tàu Việt Nam trên trường quốc tế mà còn tạo cơ hội cho thuyền viên Việt Nam nâng cao tay nghề khi được làm việc trên những môi trường chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Việc cho phép các con tàu lớn treo cờ Việt Nam còn giúp ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu thay vì để nguồn lợi này “chảy” vào túi quốc gia khác (khi tàu treo cờ của nước khác)”, lãnh đạo này nói.

Theo Công ty TNHH Vận tải Dầu khí Sao Việt, đơn vị này đầu tư các tàu có độ tuổi đến 17 - 18 tuổi xuất phát từ một số yếu tố chính như: thực trạng các công ty đóng tàu Việt Nam hiện chưa đủ năng lực để đóng các tàu quy mô lớn; Việc đầu tư mua tàu đóng mới hoặc có độ tuổi đến 15 là điều không thể thực hiện đối với doanh nghiệp khi phải huy động vốn lớn (52 - 95 triệu USD cho tàu đóng mới; 35 - 65 triệu USD cho tàu tới 15 tuổi) và trả lãi suất quá cao (lãi suất vay trung hạn tại Việt Nam xấp xỉ 11%/năm).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.