Loạt dự án không hoàn thành
Báo cáo của Ban chỉ đạo phát triển quốc gia về điện lực cho thấy: Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các nguồn điện (không tính nguồn năng lượng tái tạo) đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư trong năm 2023 là 52 dự án với tổng công suất khoảng 57.492 MW.
Trong đó, EVN thực hiện 10 dự án với tổng công suất 8.240 MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện 8 dự án, tổng công suất 6.900 MW; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án, tổng công suất 2.730 MW; Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có 13 dự án, tổng công suất 18.330 MW; Các dự án điện độc lập (IPP) có 14 dự án (trên 100 MW), tổng công suất 17.092 MW và 3 dự án, tổng công suất 4.200 MW chưa có chủ đầu tư.
Điều đáng nói là, rất nhiều dự án trong số này đang chậm tiến độ và không thể triển khai, chờ chuyển đổi.
Điện than là nguồn điện nền giúp ổn định hệ thống, việc chậm trễ phát triển các nguồn điện trên gây khó khăn cho cung ứng điện
Đơn cử, theo quy hoạch, TKV được giao thực hiện 4 dự án ở miền Bắc. Thế nhưng, hiện cả 4 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó 2 dự án Cẩm Phả III, Hải Phòng III không có khả năng tiếp tục triển khai và không được đưa vào Quy hoạch điện VIII.
Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An là chuyển đổi sang dùng nhiên liệu LNG. Dự án còn lại là Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II 110 MW ở Lạng Sơn khởi công từ 2015 nhưng đến nay tiến độ vẫn bấp bênh. Về gói thầu EPC nhà máy chính, Tổng công ty Điện lực - TKV đã ký hợp đồng EPC, tuy nhiên nhà thầu EPC không thực hiện dẫn đến dự án không thể đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Nhiều dự án khác được giao EVN đầu tư như nhiệt điện Quảng Trạch II, Ô Môn III, Ô Môn IV, Dung Quất 1 và 3, thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái cũng chỉ dừng ở mức chuẩn bị các bước đầu tư. Còn dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Laly mở rộng, Quảng Trạch 1 đều đang xây dựng.
PVN đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện, nhưng đến nay chỉ có nhiệt điện Thái Bình 2 là vận hành. Nhiệt điện Long Phú 1 đầu tư dở dang, không rõ tiến độ hoàn thành do tổng thầu Nga Power Machine dừng toàn bộ thi công.
Các dự án chuẩn bị đầu tư của tập đoàn này như nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 3, miền Trung 1 và 2 đều mịt mờ ngày triển khai.
Các dự án BOT cũng lâm cảnh tương tự. Hiện nay, Bộ Công thương đang theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), gồm cả các nhà máy mới được bổ sung thực hiện theo hình thức này, với tổng công suất khoảng hơn 26.000 MW. Nhưng dự án BOT Nam Định 1 được cấp phép từ 2017 song nay vẫn bất động.
10 dự án điện IPP trên 100 MW đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất 11.092 MW cũng đều chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc kéo dài. Đó là Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang; Dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), Dự án Nhiệt điện Công Thanh...
Hàng chục nghìn MW nguồn điện chưa thể vận hành như trên đã khiến cho miền Bắc lâm cảnh thiếu điện, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, việc thiếu điện ở miền Bắc hiện nay còn do tình trạng El Nino, hạn hán kéo dài, lượng nước về các hồ thủy điện thấp lịch sử. Các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng do lượng nước về hồ ít.
Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) ngày 19/6 cho thấy: Một số hồ xấp xỉ mực nước chết là Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3; một số hồ mực nước thấp là Sơn La, Hủa Na. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
“Khu vực Bắc Bộ đã bước vào mùa lũ, tuy nhiên lưu lượng về các hồ chứa vẫn thấp. Mực nước hồ tăng chậm, phát điện cầm chừng”, báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện không giảm mà lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những khó khăn của khu vực sản xuất khi thị trường đi xuống, đơn hàng suy giảm.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn. Sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện A0 cho biết: Cũng như các nước khác trên thế giới, việc thiếu điện ở Việt Nam liên quan rất lớn đến tình trạng El Nino.
Phải gỡ hết các nút thắt, hành động rõ ràng
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở khu vực miền Bắc rất nhanh, với mức 13% đưa miền Bắc trở thành nơi tăng trưởng sử dụng điện lớn nhất cả nước. Tăng trưởng sử dụng điện tăng vọt nhưng không có nguồn điện mới được triển khai đang đặt ra vấn đề lớn với an ninh năng lượng.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: “Công suất đặt thì lớn nhưng chúng ta không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu giật gấu, vá vai. Đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra cứu miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Vì vậy phải xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài thời gian tới.
Theo chuyên gia này, việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, dù đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo thật quyết liệt từ các cấp cao nhất câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cùng với việc thiếu điện, cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển.
Đề cập đến giải pháp, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường, phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. “Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt”, ông Cung chia sẻ.
Hiện nay, nguồn điện than đang đặt trong thách thức mới khi Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (cam kết tại COP26)
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để thực hiện mục tiêu trên thì việc chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu biomass và ammoniac cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp. Mục tiêu là đảm bảo phát thải CO2 theo lộ trình đã cam kết, không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện.
Cụ thể, theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và ammoniac tại nhà máy nhiệt điện than, sẽ áp dụng khi đủ 20 năm vận hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy. Với nhà máy không thực hiện chuyển đổi, sẽ nghiên cứu xây dựng phương án dừng hoạt động khi vận hành đủ 40 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận