Khó đền bù vì chưa có nền tái định cư
Ngày 20/6, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết, dự án Xây dựng và Nâng cấp, mở rộng ĐT923 (đi qua địa bàn quận Ô Môn và huyện Phong Ðiền) có tổng diện tích thu hồi khoảng 13,4ha và có khoảng 750 trường hợp bị ảnh hưởng.
Một dự án khu tái định cư trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Hiện nay huyện đã kiểm kê trên địa bàn thị trấn Phong Ðiền và dự kiến sẽ kiểm kê tài sản ảnh hưởng của người dân trên địa bàn xã Tân Thới xong trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn do không có nền TĐC. Việc xây cất nhà, vật kiến trúc đối phó quy hoạch diễn biến phức tạp.
Ðối với dự án cầu Tây Ðô, huyện Phong Ðiền, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 26.882m2 với 67 trường hợp bị ảnh hưởng...
Theo ông Nghĩa, ngoài dự án trên, huyện đang tập trung cho công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất các dự án trên địa bàn như: dự án đường Vành đai phía Tây, với diện tích thu hồi đất thực tế khoảng 40ha, khoảng 300 trường hợp bị ảnh hưởng.
Đa phần các dự án chậm tiến độ giải ngân trên địa bàn huyện gặp khó trong công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC. Huyện cũng chủ động vận động bàn giao mặt bằng đối với các hộ bị ảnh hưởng nhà ở nhưng do chưa có nền TĐC nên người dân chậm bàn giao mặt bằng.
Tính đến cuối tháng 5, dự án khu TĐC Phong Điền mới giải ngân được 8,66 tỷ đồng, so với kế hoạch vốn năm 2022 được phân bổ là 24 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 36,1%.
Nguyên nhân dự án giải ngân thấp là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện còn 2 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường với diện tích 1.122m2.
Đẩy nhanh việc xây dựng các khu TĐC để tạo tác động dây chuyền
Ngoài huyện Phong Điền, vướng mặt bằng đang là nguyên nhân khiến nhiều dự án khác ở Cần Thơ chậm tiến độ.
Theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, trong tổng số 19 dự án đang thực hiện có thu hồi đất, có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 427,6 ha, tổng số hộ dân, tổ chức ảnh hưởng là 6.443 trường hợp.
Các sở, ngành hữu quan đang tham mưu UBND TP xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TÐC. Ðồng thời, rà soát các nội dung còn vướng mắc để sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và TÐC thuộc thẩm quyền UBND TP hoặc xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
Qua đó, các địa phương đã kiểm đếm 5.530/6.443 trường hợp, diện tích khoảng 363,31 ha. Có quyết định phê duyệt kinh phí 4.674/5.530 trường hợp, diện tích khoảng 292,07ha, với số tiền khoảng 3.699 tỷ đồng; Hiện đã chi trả bồi thường: 3.829/4.674 trường hợp, diện tích khoảng 228,08ha, với số tiền khoảng 2.824 tỷ đồng. Có quyết định phê duyệt chính sách TÐC 4.354 trường hợp, trong đó có 1.891 trường hợp đủ điều kiện TÐC, 2.463 trường hợp không đủ điều kiện TÐC; Ðã giải quyết TÐC cho 1.198/1.891 trường hợp, tương đương 1.479 nền. Bàn giao mặt bằng 3.524/6.443 trường hợp, diện tích khoảng 222,49ha.
Tính đến cuối tháng 5/2022, TP Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư xây dựng các khu TÐC, với tổng mức đầu tư trên 2.159,8 tỷ đồng. Các dự án dự kiến khi hoàn thành sẽ phục vụ bố trí 3.834 nền TÐC.
Cần Thơ đang nỗ lực tăng tốc cho các dự án.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã bố trí cho các dự án khu TÐC là 1.469,453 tỷ đồng, Trong đó có 2 dự án đã hoàn thành là khu TÐC Ô Môn, khu TÐC Thốt Nốt; 2 dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư là chung cư TÐC An Bình và khu TÐC phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (giai đoạn 2).
3 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu là khu TÐC Long Hòa (khu 2), khu TÐC Thường Thạnh - Cái Răng, khu TÐC thuộc khu đô thị Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cái Sơn - Hàng Bàng đến ĐT923).
4 dự án đang triển khai thực hiện là khu TÐC Ninh Kiều, Khu TÐC Bình Thủy (khu 1), khu TÐC Cái Răng, và khu TÐC Phong Ðiền. Năm 2022, tổng số vốn bố trí cho 7 khu TÐC đang triển khai thực hiện là 330,988 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 22,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,89%.
Qua các buổi kiểm tra, làm việc tại các địa phương, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Cần thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu, kế hoạch; gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện dự án.
Thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân và phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị, cán bộ quản lý cấp phòng trong việc kiểm, giám sát, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận