Đáng nói, 50% trong số này phát hiện muộn, chưa đến 30% được điều trị nên gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Suýt mất mạng vì nhập viện muộn
Hai tuần trước nhập viện, ông Đ.V.N (70 tuổi) yếu dần nửa người bên trái, nhai nuốt khó, sụt cân, thường xuyên đau đầu, khát và uống nước liên tục, được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết, kết quả ghi nhận đường huyết tăng cao đến 22.1 mmol/L (mức đường huyết bình thường của một người trước khi ăn là dưới 5.5 mmol/L và sau khi ăn là 7.5 mmol/L), tăng áp lực thẩm thấu máu.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tiểu đường
Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền insuline, bù nước điện giải và hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để đưa ra giải pháp điều trị. Nhờ được nhập viện cấp cứu kịp thời mà người bệnh tránh bị hôn mê, tử vong.
Người nhà bệnh nhân cho hay, ông N. nhất định không đi khám bệnh mặc cho mọi người khuyên nhủ. Ông N. ăn uống bình thường và cứ mỗi lần mệt, ông thường uống các loại viên vitamin tổng hợp.
BS. Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, người bệnh không hay biết mình mắc tiểu đường cho đến khi tình trạng yếu nửa người mỗi ngày tăng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Bệnh đang trong giai đoạn biến chứng, đường huyết tăng cao, dẫn đến rối loạn tri giác.
Tương tự, bà N.T.V bị mọc nhọt cỡ hạt đậu xanh ở mông trái. Bà V. tự điều trị bằng cách đắp cao rồi tự nặn nhưng vết thương mãi không lành, gây đau nhức, lúc này bà mới tìm đến bệnh viện. Sau thăm khám, bác sĩ nhận định vết nhọt đã hình thành ổ áp-xe, sưng đỏ, lan rộng. Kết quả định lượng đường huyết lên đến 10.06 mmol/L.
Bà V. được chỉ định dùng thuốc điều trị tiểu đường kết hợp với dùng kháng sinh kiểm soát đường huyết và cải thiện tình trạng viêm, sau đó phẫu thuật. Trước đó, bà V. cũng không biết mình mắc tiểu đường và rất ngại đi khám bệnh.
Theo dự báo của Bộ Y tế, tới năm 2045, Việt Nam có 6,3 triệu người bị tiểu đường so với con số khoảng 5 triệu người hiện nay. Đáng nói, có tới 50% phát hiện muộn, chưa đến 30% người bệnh tiểu đường được điều trị.
“Bệnh tiểu đường gia tăng do người bệnh ít tập thể dục, ăn nhiều tinh bột, chất béo xấu, thức ăn nhanh, nước ngọt… làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Mức đường huyết cao trong thời gian dài không kiểm soát gây tổn thương mạch máu, dây thần kinh gây ra các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, suy tim, đột quỵ, cắt bỏ chân…” BS. Trâm cảnh báo.
Nhận diện sớm, phòng biến chứng cách nào?
Theo BS. Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh tiểu đường được chia thành nhiều loại như tiền tiểu đường, tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Sớm nhận biết những dấu hiệu bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển.
Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cùng có chung một số dấu hiệu cảnh báo sớm như hay đói và mệt mỏi; đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước; khô miệng và ngứa da; nhìn mờ.
Ngoài ra, ở người bị tiểu đường type 2 còn có các dấu hiệu đặc trưng như dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm rãnh giữa các ngón tay, ngón chân, dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục; Vết loét hoặc vết cắt lâu lành; Tê bì, mất cảm giác ở chân…
Còn ở bệnh tiểu đường type 1, thường có dấu hiệu như sụt cân bất thường; buồn nôn và nôn, hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, ngưng thở khi ngủ…
Chính vì vậy, mọi người nên đi viện kiểm tra khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hoặc khi thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ như: Tuổi từ 45 trở lên; thừa cân hoặc béo phì; lối sống ít vận động; gia đình có bệnh nhân tiểu đường; tiền sử tăng huyết áp, tim mạch… Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp ổn định đường huyết, tránh biến chứng.
BS. Quỳnh Trâm cũng chỉ ra những sai lầm rất thường gặp, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm… Đó là dùng thuốc điều trị bệnh sai cách, nhiều bệnh nhân chỉ tuân thủ điều trị thời gian đầu, sau khi sức khỏe ổn hơn, đã tự ý bỏ thuốc hoặc thêm bớt liều lượng, hoặc dùng thuốc “truyền miệng” không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân không tái khám bệnh; theo dõi đường huyết không đúng cách; Không biết cách xử trí hạ đường huyết; Không luyện tập thể dục, thể thao vì lo sợ hạ đường huyết. Đáng lưu tâm, nhiều bệnh nhân tiểu đường có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu cân đối, ví như kiêng hoàn toàn thực phẩm chứa đường và tinh bột vì lo sợ tăng đường huyết hoặc quá ỷ lại vào thuốc mà không điều chỉnh chế độ ăn phù hợp…
“Để có hiệu quả điều trị tốt nhất, ngoài chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất, cần luyện tập nhẹ nhàng, vừa sức; tuân thủ chỉ định thuốc của bác sĩ, tái khám định kỳ và theo dõi sức khỏe thường xuyên”, BS. Trâm khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận