Chính trị

Nhiều lãnh đạo ủy ban của Quốc hội tự nguyện xuống cấp phó

19/02/2025, 13:36

Thông tin trên được Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng và Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên đưa ra tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9.

Trưa 19/2, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngay sau phiên bế mạc kỳ họp.

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội.

Nhiều lãnh đạo ủy ban của Quốc hội tự nguyện xuống cấp phó- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên trả lời tại họp báo.

Trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước xác định là cuộc cách mạng, trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hy sinh.

"Do đó, đối với một số chức danh từ trưởng xuống phó, các cán bộ xác định, với tinh thần là đảng viên thì chấp nhận hy sinh vì sự phát triển chung của xã hội. Cho nên, các cán bộ tự nguyện và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải vận động trong việc này", bà Yên cho hay.

Trả lời bổ sung thêm, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng khẳng định Quốc hội nói chung và Văn phòng Quốc hội nói riêng nhận thức việc sắp xếp bộ máy, trong đó có những đơn vị kết thúc hoạt động, là việc cần phải làm.

Nhiều lãnh đạo ủy ban của Quốc hội tự nguyện xuống cấp phó- Ảnh 2.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trao đổi tại cuộc họp báo.

"Các cơ quan trong Quốc hội cần phải đi đầu thực hiện nhiệm vụ này. Đi đầu từ việc triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương đến thể chế hóa các quy định liên quan đến tinh gọn bộ máy", Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm và khẳng định Quốc hội là một trong những cơ quan triển khai từ rất sớm.

Cơ bản, theo ông Tùng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp đã được thực hiện khá hiệu quả.

Ông đánh giá những tác động đến chức năng nhiệm vụ rất ít, cố gắng sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy để trước hết là tối ưu hóa theo chức năng, vị trí trách nhiệm, sau đó, mới tính đến các yếu tố khác, trong đó cố gắng đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.

Ông khẳng định không có việc vận động cán bộ, đảm bảo trên nguyên tắc tự nguyện theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo công việc liên tục, không gián đoạn trong quá trình triển khai.

Infographic: Nhân sự các cơ quan Quốc hội khóa XV sau tinh gọn bộ máyInfographic: Nhân sự các cơ quan Quốc hội khóa XV sau tinh gọn bộ máy

Sau kiện toàn tổ chức bộ máy, Quốc hội khóa XV gồm Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, 6 Phó Chủ tịch Quốc hội và 12 ủy viên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.