Xã hội

Vụ đổ trộm dầu thải: Khó hiểu thông tin bất nhất từ Công ty Gốm sứ Thanh Hà

21/10/2019, 19:28

Chủ tịch HĐQT Gốm sứ Thanh Hà lại vừa phủ nhận chi 500 triệu hỗ trợ khắc phục sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà và bác bỏ nhiều thông tin khác...

img
Chủ tịch HĐQT Gốm sứ Thanh Hà lại vừa phủ nhận chi 500 triệu hỗ trợ khắc phục sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà và bác bỏ nhiều thông tin khác...

Lãnh đạo cao nhất của Công ty cổ phần (CTCP) Gốm sứ Thanh Hà (CTH) chiều nay (21/10) lại phủ nhận thông tin trích 500 triệu đồng góp sức cho người dân Hà Nội khắc phục sự cố ô nhiễm dầu thải vừa phát đi trưa cùng ngày.

Cụ thể, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc (CTCP) Gốm sứ Thanh Hà khẳng định: "Tôi không biết, tôi không công bố một thông tin hỗ trợ nào cả (công bố thông tin góp 500 triệu - PV). Ai công bố thì người đó tự bỏ tiền ra, công ty không có".

Nội dung này được bà Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty CP PPR Việt Nam phát đi trong thông cáo báo chí trưa nay. Thông cáo báo chí cũng phủ nhận thông tin cho rằng một nữ lãnh đạo của CTH đã thuê nhóm 3 đối tượng Vũ, Đại, Thám xả thải ra khu vực suối đầu nguồn cung cấp nước cho Công ty nước sạch sông Đà.

Cùng với thông cáo báo chí, bà Quỳnh cũng gửi kèm giấy ủy quyền của Phó Giám đốc công ty Gốm sứ Thanh Hà Trần Trung Thành uỷ quyền cho bà một số nội dung: Phát hành thông cáo báo chí, tổ chức họp báo; Đại diện phát ngôn với truyền thông; Làm việc cụ thể và phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông...

Liên quan đến nội dung ủy quyền, ông Truyền nói: "Phó giám đốc uỷ quyền là việc của phó giám đốc. Tôi không uỷ quyền cho ai phát ngôn. Tự tôi phát ngôn. Ai sai (ai nói sai-PV) thì phải chịu trách nhiệm. Mai tôi sẽ trị".

Trao đổi lại với bà Nguyễn Thị Xuân Quỳnh - Giám đốc công ty PPR Việt Nam, Bà Quỳnh cho hay, thông tin hỗ trợ 500 triệu đồng trong thông cáo báo chí trước đó mới là chủ trương của ban giám đốc, chưa có quyết định chính thức. "Ông Truyền nói thế là đúng vì chưa có phương án hỗ trợ bằng hình thức nào", bà Quỳnh nói.

Cũng theo lời ông Truyền, một năm nhà máy của CTH thải ra 400 lít dầu. Trong khi đó, nhóm 3 đối tượng Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại, và Hoàng Văn Thám khai nhận đổ ra khu vực suối Trâm khoảng 10m3, tương ứng 10.000 lít, tương ứng khối lượng dầu mà CTH thải ra trong 25 năm. Đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn trong thông tin này với ông Truyền, ông nói: "Nó cướp ở đâu ra, nó đổ nước lã vào chứ đâu mà lắm dầu thế!".

Ông Truyền cho biết thêm: Dầu thải được lấy từ 3 máy ép, mỗi lần đổ một máy khoảng 10 phi dầu thuỷ lực (mỗi phi 200 lít). Thực tế thế nào để cơ quan công an điều tra sáng tỏ.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Truyền xác nhận dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà có nguồn gốc từ công ty Gốm sứ Thanh Hà. Người bán dầu thải cho Lý Đình Vũ (SN 1982, quê Bắc Ninh) là nhân viên thủ kho của công ty tên là Trần Thành Trung (SN 1975). Việc mua bán giữa Vũ và Trung, ông và công ty không hay biết và không có bất kỳ liên quan nào.

Vũ khai được 1 phụ nữ tên Trang của công ty thuê đổ dầu thải, ông Nguyễn Đức Truyền cho biết: "Công ty tôi có đến 4 người tên Trang.

Con gái tôi tên là Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988), là nhân viên phòng kinh doanh của công ty. Tôi hỏi con có liên quan đến vụ việc xả dầu thải hay không thì Trang khẳng định không hề quen biết và chưa từng gặp gỡ Lý Đình Vũ".

Chủ tịch HĐQT CTH thông tin thêm, cách đây 2 ngày, công an Hòa Bình đã mời Trần Thành Trung và con gái ông để phối hợp điều tra.

"Sáng nay tôi gọi điện thoại, con gái tôi nhắn đang ở Hòa Bình để phối hợp với cơ quan điều tra, hiện tại vẫn chưa về Phú Thọ", ông Truyền cho biết.

Về quy trình xử lý chất thải khi vận hành nhà máy, ông Truyền cho biết, công ty sử dụng công nghệ hiện đại, đã ký hợp đồng với 1 công ty xử lý môi trường để vận chuyển chất thải đến nơi xử lý theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.