Chính trị

Nhiều người cảnh báo tôi “đừng chọc vào tổ kiến lửa”

27/03/2016, 13:39

Ông Lê Như Tiến là một trong những ĐBQH luôn sẵn lòng chia sẻ quan điểm về bất cứ vấn đề gì...

1
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến phát biểu tại hội trường - Ảnh: Lã Anh

“Sau khi phát biểu xong, tôi nhận được những cú điện thoại hoặc tin nhắn kiểu như: “Tôi đã không động đến đại biểu thì đại biểu cũng không nên động đến địa hạt của chúng tôi. Những lúc đó tôi cũng cảm thấy áp lực”.

Đó là tâm sự của một ĐBQH rất quen thuộc với báo giới cũng như các cử tri theo dõi các kỳ họp Quốc hội qua truyền hình. Ông luôn sẵn lòng chia sẻ quan điểm về bất cứ vấn đề gì, kể cả những vấn đề nhạy cảm, gai góc nhất. Ông là Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tự hào vì được đại diện nói tiếng nói của dân

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII, cũng là quãng thời gian cuối cùng ông ngồi ghế nghị trường ĐBQH. Là một ĐBQH đã trải qua hai nhiệm kỳ, tâm trạng của ông lúc này thế nào?

Thực sự tôi cũng có những tâm trạng đan xen. Trước hết, tôi tự hào vì mình được làm ĐBQH, làm người đại biểu của nhân dân 2 nhiệm kỳ liên tục, có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp cho khâu chất vấn để tìm ra nguyên nhân, giải pháp góp phần thúc đẩy tốt hơn hoạt động của Chính phủ, của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Và hơn hết, tôi mang được tiếng nói của cử tri phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Trong nhiều trường hợp, tôi có thể gửi trực tiếp ý kiến cho các Bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan hữu quan để xử lý vấn đề của người dân, về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, hay những vấn đề lớn của đất nước. Nói chung nhìn lại tôi thấy vinh dự, tự hào. Nhưng thật sự thì bên cạnh đó, tôi vẫn còn băn khoăn, nuối tiếc, bởi có những vấn đề mà nếu có điều kiện hơn thì tôi có thể đóng góp nhiều hơn nữa.

Trong suốt hai nhiệm kỳ là người đại diện cho tiếng nói của cử tri, của nhân dân, đâu là vấn đề ông quan tâm nhất?

Tôi quan tâm nhiều nhất, quán xuyến và xuyên suốt nhất là vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tôi đã có những bài phát biểu trên nghị trường, với các cơ quan truyền thông về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tôi quan niệm rằng, tham nhũng và lãng phí như hai anh em sinh đôi, là hòn đá tảng cản đường cất cánh của đất nước. Nếu chúng ta không phòng chống tham nhũng, lãng phí tốt thì “quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”, đẩy lùi quốc sách và đất nước không có điều kiện phát triển.

Chịu áp lực sau những phát biểu đầy gai góc

Vậy có khi nào ông chịu áp lực sau những phát biểu của mình, nhất là về tệ nạn tham nhũng?

Có chứ. Sau khi tôi phát biểu xong cũng có những cú điện thoại hoặc nhận được tin nhắn kiểu như “Tôi đã không động đến đại biểu thì đại biểu cũng không nên động đến địa hạt của chúng tôi”. Khi đề cập đến việc các doanh nghiệp Nhà nước chỉ dùng bầu sữa ngân sách để tham nhũng, lãng phí, tôi đã phát biểu trên nghị trường rằng: “Các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước như những quả đấm thép của nền kinh tế, và bây giờ quả đấm thép đang tan chảy”. Ngay sau đó, tôi nhận được những tin nhắn, những cú điện thoại đe doạ, cảnh báo không được động đến phạm vi của họ. Những khi ấy tôi cũng thấy rất áp lực.

Tôi cho rằng đã phòng chống tham nhũng mà không có cơ chế bảo vệ người phòng chống tham nhũng thì họ sẽ gặp rất nhiều rủi ro, vì lực lượng tham nhũng không thiếu gì âm mưu, hành vi đê hèn để trả thù người tố cáo họ. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng đằng sau mình là cử tri, là nhân dân, và trong bộ máy Nhà nước của chúng ta còn nhiều đồng chí rất tốt, kiên định, kiên trung nên tôi luôn phát biểu một cách mạnh mẽ, thẳng thắn.

Mặc dù có những áp lực nhưng suốt hai nhiệm kỳ qua, tôi vẫn xuyên suốt quan điểm phải mạnh mẽ phòng chống tham nhũng, vì chúng ta có phòng chống tham nhũng tốt thì đất nước ta mới cất cánh được, còn không, bao nhiêu tài sản cũng bị thất thoát vào “túi tham nhũng” hết.

Trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII, rất nhiều cử tri hoan nghênh khi ông trực diện nhắc tới vấn đề “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Với trách nhiệm của người ĐBQH, tôi đưa ra lời dự báo, cảnh báo về những vấn đề có thể xảy ra. Bởi bây giờ là cuối nhiệm kỳ rồi, nếu không cẩn thận sẽ có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tức là nghĩ cuối nhiệm kỳ rồi thì mình chẳng cần gì phải cố gắng, gây ra tình trạng trì trệ, thậm chí còn có biểu hiện “tranh thủ làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”. Vì cơ hội đã sắp hết, tranh thủ nhà cửa, đất đai, công sản nếu có thể vơ vét được là vơ vét hết, chuẩn bị cho hậu phương của mình sau khi hạ cánh. Tôi hay đùa rằng “hoàng hôn nhiệm kỳ” sẽ mở ra một trang mới “bình minh nguyên là”, tức là hôm trước còn đương chức, hôm sau đã “nguyên là”. Ranh giới đó rất mỏng manh nên giai đoạn này cũng rất dễ có chuyện tranh thủ tham nhũng, lãng phí, vơ cho đầy túi, chuẩn bị cho giai đoạn “nguyên là”.

Sau phát biểu đó, có rất nhiều vị lão thành cách mạng khen ngợi “Đại biểu nói rất mạnh mẽ, quyết liệt, chúng tôi rất ủng hộ”. Nhưng cũng có một số người nói “ông đừng chọc vào tổ kiến lửa”, vì rất nhiều người chuẩn bị hạ cánh và bước vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Nhưng tôi cũng nói rõ với họ rằng, tôi cảnh báo cũng chính là cho cả tôi nữa vì tôi cũng chuẩn bị hết nhiệm kỳ!

Tôi mừng vì việc này có tác động lan truyền, lan toả, lay động rất lớn. Tôi đi đến tỉnh nào họ cũng nói, vừa qua trong cuộc họp của UBND, HĐND, mọi người đều nhắc lại quan điểm vào cuối nhiệm kỳ đừng nên trễ nải với công việc, đừng có hành vi làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh như tranh thủ đi nước ngoài, đi chơi, tranh thủ những cơ sở vật chất của cơ quan để biến của chung thành của riêng.

2
Ông Lê Như Tiến là một trong những ĐBQH luôn cởi mở với báo chí

Làm nghị sĩ bao giờ cũng phải “sống mở”

Trong suốt thời gian làm ĐBQH của mình, kỷ niệm nào khiến ông vui nhất và buồn nhất?

Tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng tôi đặc biệt vui với những kỷ niệm đối với các phóng viên báo chí. Tôi vui vì mỗi khi họp xong, rất nhiều phóng viên quây lấy mình để trò chuyện, phỏng vấn xoay quanh rất nhiều vấn đề. Tuyên ngôn của tôi là làm nghị sĩ bao giờ cũng phải sống mở với báo chí, với dư luận xã hội, vì phóng viên cần đến mình nghĩa là dư luận, là cử tri cũng đang cần đến mình nên phải thắng thắn, bộc trực, sẵn sàng chia sẻ. Tôi từng nói rằng, cánh cửa phòng ĐBQH phải luôn mở với nhà báo, không được khép, có như thế thì hơi thở của đời sống xã hội mới ùa được vào mình.

Việc này cũng góp phần xây dựng hình ảnh của ĐBQH. Tức là mình vừa thông tin được các vấn đề của đời sống xã hội, các chính sách pháp luật của Quốc hội với cử tri, vừa tạo dựng được hình ảnh của ĐBQH. Cũng có nhiều người e ngại khi tiếp xúc với nhà báo nhưng tôi thì ngược lại. Càng tiếp xúc với nhà báo thì những thông tin cần truyền tải trên Quốc hội càng đến nhanh với cử tri của mình.

Nhưng cũng có những kỷ niệm khiến tôi buồn, ví như sau khi có những phát biểu gay gắt về tham nhũng cũng có những đồng chí có trách nhiệm ở các cương vị khuyên tôi: “Anh nói làm gì, nói như thế vừa không có lợi cho bản thân, lại làm cho mình bị thiệt thòi”. Tôi buồn vì có những cán bộ cao cấp còn hiểu như thế thì làm sao công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta thành công được?

Luôn cảm thấy còn nợ cử tri

Trong suốt những năm góp mặt ở nghị trường, ông nhận thấy sự đổi mới, tiến bộ của Quốc hội so với trước kia như thế nào?

Có thể nói, Quốc hội ngày càng đổi mới, cải tiến mạnh mẽ, đặc biệt là trong khoá XIII này. Bằng chứng là chất vấn, trả lời chất vấn trực diện hơn, thẳng thắn hơn. Rồi đối thoại với ĐB và cơ quan hành pháp ngày càng nhiều hơn. Phương thức hoạt động của Quốc hội cũng đổi mới rất nhiều, không còn đơn thuần là đứng đọc bài phát biểu mà đã tăng tính tranh luận, tranh biện ngay trên nghị trường. Các báo cáo được trình bày không còn dài dòng mà đã có bản tóm tắt, còn bản đầy đủ gửi cho ĐBQH nghiên cứu. Việc này khiến ĐBQH không phải đến ngồi nghe độc thoại mà đã được đối thoại nhiều hơn. Hơn nữa, việc tăng thời lượng truyền hình và phát thanh trực tiếp các phiên làm việc của Quốc hội cũng khiến cho cử tri, nhân dân hiểu được công việc của Quốc hội.

Đến bây giờ, còn điều gì khiến ông trăn trở, day dứt khi sắp sửa rời nghị trường Quốc hội?

Vẫn có chứ. Tôi trăn trở, băn khoăn vì chưa đưa hết được tiếng nói của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội. Có những vấn đề cử tri gửi gắm mà mình nêu trên diễn đàn Quốc hội hoặc gửi cho các thành viên Chính phủ, rồi mình theo sát qua cả 2 nhiệm kỳ nhưng việc xử lý chưa thấu đáo, dứt điểm khiến cho người dẫn vẫn còn cảm thấy oan ức. Rồi khiếu nại tố cáo kéo dài, dù có rất nhiều chứng cứ nhưng cử tri nêu ra, mình đã phát biểu hoặc gửi cho cơ quan chức năng mà vẫn chưa được trả lời thấu tình đạt lý… Đó là những cái làm tôi băn khoăn, day dứt, lúc nào cũng cảm thấy như còn mắc nợ với cử tri.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.