Xã hội

Nhiều người dân trắng tay trong vụ sạt lở trên QL2 tại Hà Giang

02/10/2024, 07:00

Vụ sạt lở kinh hoàng tại Km 240+300 - Km 240+450 (đoạn qua địa bàn xã Việt Vinh, Bắc Quang) gây thiệt hại lớn về cả người và của. Không chỉ mất đi người thân, nhiều người dân "trắng tay" sau sự việc.

Sau tiếng nổ lớn, nhiều người mất tích

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Phạm Uyên, bác ruột của nạn nhân Phạm Anh Tuấn cho biết: "Sáng 29/9 trong thôn, bản xảy ra sạt lở rất nhiều. Mặc dù nhà ở cách xa điểm sạt, nhưng cháu Tuấn nhà tôi thuộc đội thanh niên xung kích của thôn, nên đã đi cứu hộ, giúp đỡ người dân di chuyển đồ đạc ra khỏi khu vực sạt lở".

Theo ông Uyên, trong khi vừa khi di dời được 3 hộ gia đình, phía trên đồi tiếp tục có dấu hiệu sạt lở, sau đó phát ra tiếng nổ lớn, đất đá ào ào trút xuống. Hai người bạn của anh Tuấn bị đẩy văng ra suối, may mắn thoát nạn. Anh Tuấn và nạn nhân Tô Đình Điệp (đã tìm thấy thi thể ngày 30/9) không may bị đất vùi lấp.

Ông Uyên kể lại quá trình cháu mình mất tích.

Chị Nguyễn Thị Huyền thuộc Chi hội phụ nữ thôn Nậm Buông cho biết: "Nhà anh Tuấn thuộc diện khó khăn. Nhà có bố mẹ già và 2 con nhỏ. Gia đình anh Tuấn làm nông, thu nhập không ổn định do mưa bão triền miên. Thấy các hộ dân khác có nguy cơ đất, đá sạt lở vào nhà, anh không ngại nguy hiểm hỗ trợ vận chuyển đồ đạc, chẳng may bị đất đá vùi lấp".

Cùng cảnh có người thân mất tích trong vụ sạt lở, chị Trâm, người nhà nạn nhân Tô Đình Điệp nghẹn ngào: "Khi xem lại video do anh Điệp chia sẻ về vụ sạt lở, tôi không nghĩ rằng anh Điệp đã mất, khi xảy ra vụ sạt lở, anh đã bật livestream trên Facebook, hô hào mọi người không lưu thông qua khu vực trên. 

Thế nhưng diện tích sạt lở lớn, đất đá đã cuốn trôi anh xuống ta luy âm sâu 10m. "Ai đi qua Km50 dừng lại đã nhé mọi người, đất đang rời dần ra rồi"... đó là những khoảnh khắc cuối cùng của anh Điệp trước khi bị đất đá vùi lấp".

Chị Hoàng Chi, một người hàng xóm của anh Điệp cho biết: "Anh Điệp đi làm ăn xa xứ, mới về quê được khoảng 5 ngày hôm nay. Anh Điệp cũng chưa có có gia đình, ở nhà còn bố mẹ già.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã tìm thấy 3 nạn nhân là chị Tạ Thị Hạnh (SN 1971) và anh Phạm Tuấn Anh (SN 1992) đều trú tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh) và anh Tô Đình Điệp, trú tại thôn Tân Mỹ. 

Hiện vẫn còn 1 nạn nhân mất tích là anh Nguyễn Viết Thuộc (trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Quang), lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

Nhiều người dân trắng tay trong vụ sạt lở trên QL2 tại Hà Giang- Ảnh 1.

Các chiến sĩ ngấm lạnh vì dầm mưa nhiều ngày tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Hà Giang.

Anh Triệu Quang Hà, thuộc đội PK02, Công an tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Khoảng 4h sáng hàng ngày, chúng tôi bắt đầu rời đơn vị đến điểm sạt lở hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. Mấy ngày nay, trời liên tục mưa lớn khiến công tác tìm kiếm rất khó khăn. 

Mỗi một thi thể tìm thấy, chúng tôi đều cảm thấy rất buồn và đau xót. Vậy nên dù khó khăn, chúng tôi cũng không cảm thấy vất vả, giúp đỡ được người dân khiến chúng tôi yên lòng".

Người dân "trắng tay" sau sự cố sạt lở

Vụ sạt lở ta luy dương tại Km 240+300 - Km 240+450 sáng 29/9 cũng khiến 3 ngôi nhà bị đổ sập, 5 xe (bao gồm 1 xe khách, 1 xe tải và 3 xe con) cũng bị cuốn trôi. Nhiều người dân bỗng chốc "trắng tay" sau sự cố.

Chị Vương Thị Lan, một hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở chia sẻ: "Gia đình tôi có 4 người, khi phát hiện ra quả đồi sắp bị sạt, chúng tôi chỉ biết cuống cuồng chạy. Nhà tôi "đi" hết sạch, không còn một thứ gì, chỉ còn đúng duy nhất một bộ quần áo trên người. Hiện chúng tôi phải tạm thời ở nhà văn hóa thôn Nậm Buông".

Người dân trắng tay sau sự cố sạt lở.

Bà Lý Thị Thạch (SN 1950), một hộ dân sinh sống ngay cạnh điểm sạt lở chia sẻ: "Hôm xảy ra sạt lở, tôi thấy cây cối trên đồi có dấu hiệu rung nên chạy. Ông Túc hàng xóm nhà bên cạnh tôi khi ấy chạy về nhà kiểm tra đồ đạc thì bị đất vùi đến cổ. 

Mọi người hô hào nhau kéo ông Túc lên rồi tiếp tục chạy. Tối nay, nhà tôi cũng phải dọn ra nhà văn hóa thôn để ở tạm, vì quả đồi vẫn tiếp tục có dấu hiệu bị sạt. Mặc dù rất lo mất nhà cửa, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Tuyên, Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Quang cho biết: "Hiện phía huyện đã có những hỗ trợ ban đầu đối với gia đình có nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở, cụ thể là việc lo an táng. 

Sau khi hoàn tất việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, dựa theo chính sách, phía huyện sẽ có những hỗ trợ tiếp theo đối với các gia đình bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở. Các nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở, hiện tại tình hình sức khỏe đã cơ bản ổn định".

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thượng tá Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Giang cho biết thêm: "Do trời mưa lớn, phía bên kia quả đồi (phía Hà Giang) tiếp tục có dấu hiệu sạt lở, không đảm bảo an toàn cho công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Còn bên phía Bắc Quang, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục dù trời mưa lớn, đường rất lầy lội. 

Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tăng cường thêm 1 máy xúc và 3 xe tải, tăng tổng số lượng thiết bị lên gồm 7 máy xúc và 13 xe tải phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và thông đường. Tuy nhiên, do mưa lớn và diện tích lòng đường hẹp nên các xe cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Nhiều người dân trắng tay trong vụ sạt lở trên QL2 tại Hà Giang- Ảnh 2.

Máy móc, thiết bị được tăng cường trong chiều nay để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Trước đó, khoảng 9h sáng 29/9, tại QL2 đoạn qua xã Việt Minh huyện Bắc Quang xảy ra vụ sạt lở taluy dương với chiều dài khoảng 300m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng trên 3.000m3. Theo báo cáo ban đầu, xác định 6 phương tiện đang lưu thông bị đất, đá sạt đẩy xuống ta luy âm, trong đó: 1 xe khách, 2 xe tải, 3 ô tô con.

Đã có 3 trong 4 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở được tìm thấy. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.