Người dân đi tiêm vaccine cúm tăng mạnh
Tại Trung tâm tiêm chủng Lò Đúc đông người chờ khám trước tiêm vaccine cúm. Chị Nguyễn Phương Hà (Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Bạn bè tôi nhiều người mắc cúm, có người nghỉ cả tuần trời vì cơ thể mệt mỏi, ho, sốt, cảm giác như Covid "hành". Sốt ruột nên gia đình tôi 4 người đến đây tiêm. Đông thế này chắc phải đợi lâu, nhưng sẽ chờ tiêm cho yên tâm".
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhiều người đến tiêm vaccine phòng cúm nhưng phải ra về vì hiện vaccine hết và được hẹn quay trở lại sau ít ngày nữa. Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm trong những ngày qua đang tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên, có những điểm tiêm tăng gấp đôi, gấp ba.
Theo thống kê từ các trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, đầu năm 2025, số lượt khách hàng đến tiêm chủng tăng 5% so với cuối năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng cho biết, ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượt khách chủ động tiêm vaccine cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường. Trong đó, khách đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, nhiều gia đình và đại gia đình đã đến VNVC để tiêm vaccine, trong đó có đại gia đình hơn 20 thành viên cùng đến.
Tại hầu hết các điểm tiêm chủng đều ghi nhận số người đến tiêm vaccine phòng cúm gia tăng ở thời điểm này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000-650.000 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc cúm, có nhiều ca viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê tính từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa. Các ca mắc cúm hiện tại chưa ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Cơ quan này khuyến cáo bên cạnh các biện pháp giữ vệ sinh như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tiếp xúc người có dấu hiệu mắc bệnh cần chủ động tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh cũng như các bệnh khác có thể gia tăng vào mùa lễ hội đầu năm như sởi, ho gà…
Có 4 loại vaccine phòng cúm, tác dụng ra sao?
Hiện nay, có 4 loại vaccine cúm cho người lớn đang được cấp phép lưu hành phổ biến tại Việt Nam là vaccine Influvac Tetra (Hà Lan), GC FLU Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và vaccine cúm Vaxigrip Tetra (Pháp). dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Điểm tiêm chủng | Vaccine Influvac Tetra | Vaccine Vaxigrip Tetra | Vaccine Ivacflu-S |
---|---|---|---|
Trung tâm Tiêm chủng Lò Đúc | 350.000 đồng | ||
Trung tâm tiêm chủng VNVC | 365.000 đồng | 285.000 đồng | |
Trung tâm tiêm chủng Long Châu | 333.000 đồng | 333.000 đồng | 260.000 đồng |
Trung tâm tiêm chủng CDC Hà Nội | 320.000 đồng |
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hằng năm một mũi do cấu trúc kháng nguyên của virus cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vaccine giảm dần theo thời gian.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết: "Ngày thường không ai để ý, không đi tiêm, đến lúc bắt đầu có dịch bệnh thì nhiều người dân đổ xô đi tiêm. Việc này có thể chậm, muộn trong phòng dịch.
Người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch. Bởi lẽ, thông thường vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Tất cả các loại vaccine đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, sau 2 tuần kháng thể tăng cao, đạt khả năng phòng dịch tối đa sau 1 tháng".
Ngoài phòng cúm, các bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có xu hướng gia tăng vào mùa xuân, người dân nên chủ động tiêm thêm các vaccine khác để phòng ngừa.
BS Chính lưu ý người dân có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi cần khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm. Mọi người không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
"Virus có cấu tạo và cơ chế hoạt động khác với vi khuẩn. Vi khuẩn tấn công tế bào từ bên ngoài còn virus sẽ bám vào các tế bào khỏe mạnh của vật chủ và nhân lên. Do đó, kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, song không tiêu diệt được virus. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh và kháng virus có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, tăng nguy cơ ngộ độc, kháng thuốc khi sử dụng không đúng chỉ định và đúng liều", BS Chính thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận