Xã hội

Nhiều người Việt hung hăng, thiếu kiềm chế!

20/03/2015, 13:56

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không chỉ học sinh mà cả nhiều người lớn rất hung hăng, văn hóa xuống quá thấp.

bao-luc-hoc-duong-noi-lo_EOQN
Bạo lực học đường đang ngày càng nghiêm trọng (Ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng liên tiếp diễn ra khiến dư luận vô cùng lo ngại. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB VH-GD-Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Xin chào ông. Vừa qua, những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng liên tiếp diễn ra khiến dư luận vô cùng lo ngại. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng ấy là gì?

Trên thực tế thì bạo lực học đường đã bùng nổ cách đây vài năm. Những cảnh học sinh đánh nhau, xé áo xé quần, quay clip tung lên mạng không phải là mới. Tuy nhiên, sau một thời gian lắng đi thì hiện tượng này có dấu hiệu quay trở lại với những vụ việc ở mức bạo lực rất cao do những học sinh mới chỉ học lớp 7, thậm chí có em còn là lớp trưởng thực hiện.

Nguyên nhân để xảy ra hiện tượng này trước hết là thầy cô, nhà trường, nơi trực tiếp quản lý giáo dục các em, chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh việc giáo dục về kiến thức, đạo đức, thầy cô và nhà trường nói chung cũng cần phải nắm được tâm tư, tình cảm, chuyện mâu thuẫn của các cháu để có những cách hóa giải phù hợp.

Có điều, chỉ nói đến trách nhiệm của thầy cô, nhà trường thì chưa hẳn đã đúng. Nguyên nhân chính là bạo lực xã hội ở ta phổ biến quá. Minh chứng rõ ràng nhất là con số thống kê 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong đó có 15 người tử vong. Đấy là chưa kể những con số đánh nhau mà không phải nhập viện chúng ta không tính được. Người lớn hư như vậy, nêu gương xấu như vậy, thầy cô nào dạy được trẻ ngoan?

Bên cạnh đó, không hiểu từ đâu những phong tục mang tính bạo lực như đập trâu, chém lợn được phục dựng. Trên màn ảnh nhỏ, phim ảnh bạo lực cũng tràn lan.

Nguyên nhân thứ 3 là kỷ luật không nghiêm. Những học sinh đánh xé, lột quần lột áo nhau và quay clip tung lên mạng trước đó chỉ bị đuổi học một tuần, thậm chí chỉ cảnh cáo. Những mức kỷ luật ấy chẳng có nghĩa lý gì cả. Vậy nên nhiều học sinh khác mới sẵn sàng đánh nhau.

Vậy việc những người xung quanh vô cảm, không những không can ngăn mà còn cổ vũ, quay clip thì sao thưa ông?

Tình trạng ấy phản ánh một sự thật là văn hóa của Việt Nam đã quá bệ rạc, không còn giữ được truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc.

Những học sinh và người lớn chứng kiến cảnh này không những không can các cháu mà còn cổ vũ, quay clip là những người bất nhẫn. Theo tôi cần tìm ra những học sinh và người lớn này để xử lý.

6-1027 (1)
Nữ sinh lớp 7 bị bạn dùng ghế đánh hội đồng ở lớp học. Ảnh cắt từ clip

Xin ông cho biết cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

 Chúng ta phải áp dụng đồng loạt các biện pháp để giảm tình trạng này. Đầu tiên là cần phải xử lý thật nghiêm những vụ việc bạo lực học đường.

Cần xem lại Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trẻ dưới 16 tuổi phải có người chịu trách nhiệm. Nếu để cho con cái mình thực hiện những hành động bạo lực, xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm của người khác thì cha mẹ hoặc những người bảo trợ cũng phải bị xử phạt. Chỉ có như vậy các bậc phụ huynh mới chú ý đến việc giáo dục con cái.

Thầy cô không hoàn thành trách nhiệm cũng tùy mức độ mà xem xét kỷ luật.

Còn những trẻ em hư, nhẫn tâm thực hiện các hành vi bạo lực cũng phải có những biện pháp xử lý cứng rắn. Nhiều người nói rằng nhà trường đuổi học các cháu là đẩy cái xấu về cho xã hội, nhưng không phải. Những học sinh cá biệt như vậy phải được cách ly khỏi môi trường học tập bình thường, đưa vào trường giáo dưỡng. Nếu không thì các gia đình cho con cháu đi học sẽ luôn ở trong tình trạng nơm nớp lo lắng. Mà đánh nhau ở trong trường còn có thấy cô, các bạn, bảo vệ can thiệp, chứ ra đến ngoài cổng trường mới đánh nhau, đâm nhau thì lúc ấy ai biết được.

Ngoài ra gia đình, nhà trường cũng cần sát sao tìm hiểu tâm lý tình cảm của các cháu để có hướng giải quyết kịp thời. Hạn chế cho trẻ em tiếp cận với những loại hình văn hóa có quá nhiều nội dung bạo lực.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng người Việt ngày càng hung hăng, lạm dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề và chúng ta đang sống trong một xã hội đáng báo động về bạo lực. Ông nghĩ sao về điều này?

Rất buồn nhưng phải thừa nhận rằng ý kiến ấy đúng. Nhiều người trong xã hội hiện nay ngày càng hung hăng, thiếu kiềm chế, sống chẳng có pháp luật gì. Kỷ cương xã hội thì buông lỏng, văn hóa thì xuống quá thấp. Nếu không có những biện pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này thì rất có thể chúng ta sẽ phải nhận những con số, những vụ việc đáng báo động và ghê gớm hơn nữa về tình trạng bạo lực.

Xin cảm ơn ông!

Thời gian vừa qua, những vụ bạo lực của học sinh liên tiếp xảy ra với mức độ và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Vào những ngày đầu tháng 3, một clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị chính các bạn trong lớp khóa cửa phòng đánh hội đồng bằng ghế nhựa chỉ vì không chịu… nghe lời lớp trưởng đã khiến dư luận bàng hoàng, xôn xao.

Sau đó, trên mạng xã hội facebook lại lan truyền một clip có nội dung tương tự xảy ra tại Trà Vinh. Trong đoạn clip dài hơn 2 phút, một nữ sinh (có vẻ đang học cấp 3) liên tục tát chửi bới, tát vào mặt, và lấy ghế nhựa đập mạnh, liên tục vào đầu một nữ sinh khác ngay trong lớp. Tuy nạn nhân chỉ ngồi chịu trận nhưng nữ sinh này chỉ vẫn tiếp tục hành hung đến khi chiếc bàn học đổ xuống, đè lên người cô bạn.

Cùng thời điểm đó, một vụ việc từ tháng 9/2014 được phanh phui khi em Quyên Thị Phương Hà ở trường THPT Tử Đà, tỉnh Phú Thọ bị bạn đánh hội đồng đến "cấm khẩu”. Đến nay, dù đã sau 6 tháng Hà vẫn chưa nói lại được.

Mới đây nhất là vụ bạo lực học đường được đăng tải lên mạng internet ghi lại cảnh hàng chục học sinh chia thành 2 phe lao vào đánh nhau như những băng nhóm ngoài xã hội của học sinh Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngày 10/3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.