Tình hình sản xuất kinh doanh khởi sắc khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của SBIC |
Trên 200 triệu USD thu từ đóng tàu
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC, doanh thu năm 2014 của SBIC đạt 5.739 tỷ đồng, tăng 1,6% so với kế hoạch. “Nếu tính cả nguồn thu từ tái cơ cấu tài chính, con số này đạt 7.642 tỷ đồng, tăng gần 29%.
Riêng đóng tàu, trong năm 2014 toàn TCT đã bàn giao 76 tàu đóng mới cho khách hàng với tổng giá trị hợp đồng hơn 200 triệu USD, vượt kế hoạch được giao cả năm 7%. Trong đó, có 33 tàu xuất khẩu và 43 tàu trong nước. Như vậy, so với con số 47 tàu đóng (gồm 19 tàu xuất khẩu và 28 tàu trong nước, tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 148 triệu USD) thì năm nay đã có mức tăng đáng kể các tàu được đóng mới và bàn giao.
"SBIC đã rất cố gắng để vượt lên trên năm 2014, lỗ của SBIC đã giảm đáng kể. Số lỗ hiện tại chủ yếu do chi phí tài chính cao (chi phí lãi vay lớn) và trích khấu hao theo quy định, trích lập dự phòng lớn”. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công |
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐQT SBIC cho biết, năm 2014, TCT đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, tổ chức lại sản xuất. Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cơ bản hoàn thành. Thị trường đóng tàu của SBIC chủ yếu là đóng tàu cho Damen (doanh nghiệp Hà Lan), Bộ Tư lệnh Hải quân và tàu cá của ngư dân. Tàu đóng cho vận tải vẫn chưa có đơn hàng nào do thị trường chưa phục hồi đủ mạnh để cần tàu đóng mới.
Cũng theo ông Sự, SBIC xác định dòng sản phẩm chủ lực, thế mạnh của mình là các gam tàu nhỏ và vừa gồm tàu vận tải thông thường như tàu hàng khô đến 20 nghìn DWT, hàng rời đến 80 nghìn DWT, container đến 3 nghìn TEU, tàu dầu đến 50 nghìn DWT, các tàu phục vụ khai thác dầu khí, đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và tàu vận tải khách, tàu phục vụ an ninh quốc phòng.
“Dòng sản phẩm chủ lực này được xác định dựa trên nhu cầu tàu sử dụng trong nước và phát triển sản phẩm xuất khẩu được thực hiện thông qua hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài có năng lực thiết kế và tên tuổi trên thế giới. Giai đoạn đầu, tàu xuất khẩu vẫn phải sử dụng các thiết kế của đối tác nước ngoài. Ưu tiên sử dụng các thiết kế mới, hiện đại, thân thiện môi trường, có thương hiệu với các chủ tàu”, ông Sự nói.
Chủ tịch SBIC cũng cho biết thêm, một tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới và là đối tác chiến lược lâu năm của TCT đang muốn mua đến 70% cổ phần các công ty của SBIC. Ngoài ra, Nga và một số đối tác nước ngoài khác cũng quan tâm đến nhà máy đóng tàu Cam Ranh, Thịnh Long. “Việc các đối tác nước ngoài muốn tham gia vào SBIC sẽ “mở đường sáng” cho ngành Đóng tàu”, ông Sự nói.
Không xử lý xong tài chính khó CPH thành công
Khẳng định nếu không xử lý được tài chính, sẽ không thể cổ phần hóa (CPH) SBIC, song ông Nguyễn Ngọc Sự cũng thừa nhận công việc này không hề dễ nếu không muốn nói là rất khó. “Để CPH được 8 công ty con, tất cả nợ của các công ty con cho chuyển về hết công ty mẹ để cân bằng được sổ sách. Công ty mẹ sẽ là đầu mối tập trung xử lý nợ. Nguồn bù đắp các khoản đã chuyển về công ty mẹ được lấy từ tiền bán cổ phần thu được khi CPH. Trường hợp tiền này không đủ, công ty mẹ được thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ”, ông Sự đề xuất.
Được biết, đến nay SBIC đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước giai đoạn 1 (cả gốc và lãi). Hiện SBIC đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế vay lại của Bộ Tài chính, nợ nhà thầu cung cấp.
Cũng theo ông Sự, với tình hình hiện tại, sang năm 2015, hoạt động kinh doanh của SBIC sẽ có nhiều khả quan hơn. SBIC phấn đấu đạt giá trị sản lượng 6.858 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó đóng tàu dự kiến đạt 5.325 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2014.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận