Hàng hải

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề

24/11/2021, 09:49

Cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) có thể tạo đột phá cho Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Ngày 23/11, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tại Sóc Trăng, nhằm phục vụ công tác tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX.

Đoàn công tác đã đến khảo sát Cảng cá Trần Đề và trực tiếp lên tàu thực hiện chuyến thị sát khu vực dự kiến hình thành Cảng biển nước sâu Trần Đề.

img

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (đứng giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng lên tàu thị sát khu vực dự kiến hình thành Cảng biển nước nước sâu Trần Đề.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong đó, đã bổ sung quy hoạch Cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn.

Do đó, tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cần thiết để mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa đối với dự án quan trọng này.

“Đến thời điểm này đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề, các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc”, ông Lâu cho hay.

Liên quan đến Cảng biển nước sâu Trần Đề, trong những lần tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin, Bộ GTVT xem Cảng Trần Đề là cảng đặc biệt quan trọng, không chỉ riêng của tỉnh Sóc Trăng mà của cả khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng rằng, khi Chính phủ phê duyệt dự án, chắc chắn có nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Dự án này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao và có thể tạo đột phá cho Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

img

Khu vực dự kiến xây Cảng Trần Đề.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ (QL 60, QL1, QL91, 91C) thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng.

Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước sẽ nghiên cứu sâu hơn về điều kiện tự nhiên, các công trình chính trị phù hợp đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật, lộ trình đầu tư đảm bảo tính khả thi, phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.