Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Bến xe Miền Tây, khách ra vào bến nhộn nhịp. Phần lớn là khách mua vé đi trong ngày.
Một nhân viên bán vé quầy TP.HCM - Cà Mau cho biết: "Việc mở bán vé xe Tết trước 2 tháng hiện cũng chỉ lác đác vài người giữ chỗ đặt mua, phải mất vài tuần nữa khách mua vé mới đông".
Theo nhân viên này, thông thường xe chất lượng cao sẽ bán hết vé Tết trước.
Theo đại diện Bến xe Miền Tây, thời gian cao điểm tết Nguyên đán bến xe phục vụ 20 ngày, gồm 10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết (từ ngày 21 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức từ ngày 31/1/2024 đến hết ngày 19/2/2024).
Trong 20 ngày cả trước và sau Tết, Bến xe Miền Tây dự kiến đón khoảng 782.560 hành khách và 30.590 lượt xe vào bến.
Về giá vé, sẽ tăng tùy từng khu vực. Các tuyến đường về miền Tây sẽ tăng giá vé không quá 40% so với ngày thường. Thời gian tăng trong 6 ngày, gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết.
Tại bến xe Miền Đông mới, trong 20 ngày phục vụ Tết, bến xe dự kiến đón 106.000 lượt khách, với 6.490 lượt xe qua bến, tăng khoảng 20% lượt khách so với dịp Tết năm ngoái.
Để phục vụ tốt hành khách đi lại dịp Tết, bến xe Miền Tây kiến nghị Sở GTVT TP.HCM, CSGT TP hỗ trợ trong công tác giải tỏa xử lý kẹt xe quanh khu vực bến xe; tăng cường xe buýt để kịp thời giải tỏa hành khách vào các ngày cao điểm.
Đồng thời kiến nghị Trung tâm quản lý giao thông công cộng xem xét cấp cho bến xe Miền Tây 200 phù hiệu xe chạy tuyến cố định tăng cường (100 phù hiệu xanh và 100 phù hiệu đỏ) để cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong dịp Tết.
Riêng đối với xe hợp đồng, xe buýt, xe tăng cường sẽ dựa vào giá vé, các đơn vị vận tải kê khai dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán để xây dựng bảng giá vé của bến xe bán cho các loại xe nêu trên.
Ông Tạ Chương Chín, Giám đốc bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, tuyến đi Tây Nguyên) cho biết, dự kiến khách tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Giá vé tăng từ 40 - 60% tùy từng khu vực và những ngày cao điểm cận Tết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận