Sau hơn 1 năm vật lộn với dịch bệnh, các nhà nghiên cứu đã hiểu rõ hơn về Covid-19 và ngày càng có các nghiên cứu chỉ ra, trường học không phải là môi trường virus lây lan mạnh nhất. Do đó, triển vọng mở cửa trường học bắt đầu sáng hơn khi chiến dịch tiêm chủng vaccine tiến triển tích cực.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh... bắt đầu mở cửa trường học trở lại một cách thận trọng (Ảnh minh họa)
Những nghiên cứu cho kết quả bất ngờ
Một trong những nghiên cứu lớn nhất về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với trường học tại Mỹ đã được thực hiện, với việc theo dõi hơn 90.000 học sinh và giáo viên tại North Carolina trong vòng 9 tuần vào mùa thu năm ngoái. Ban đầu, dựa trên tỉ lệ lây nhiễm virus trong cộng đồng, các nhà khoa học dự tính có khoảng 900 ca nhiễm trong nhóm này nhưng kết quả thực tế chỉ xác định 32 trường hợp.
Tại thành phố Salt Lake (bang Utah, Mỹ), các nhà nghiên cứu còn thực hiện nghiên cứu sâu hơn. Họ đã xét nghiệm hơn 1.000 sinh viên và nhân viên có tiếp xúc với 51 học sinh có kết quả dương tính với Covid-19 nhưng chỉ ghi nhận 12 trường hợp cho kết quả dương tính.
Lúc đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp truy vết và giải trình tự gene để xác định tình hình lây nhiễm virus trong trường học. Kết quả cho thấy, chỉ có 5 trong số 12 trường tham gia nghiên cứu có tỉ lệ virus tấn công là 0,7%. Một thử nghiệm tương tự được thực hiện tại TP New York chỉ ra, tỉ lệ virus tấn công còn thấp hơn, chỉ 0,5%.
Nhiều cuộc điều tra tại Đức, Pháp, Ireland, Australia, Singapore và Mỹ cũng cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm trong môi trường trường học ở mức thấp hoặc không có, theo trang thông tin nghiên cứu khoa học Nature.
Hơn nữa, theo nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc thực hiện, trẻ em dưới 10 tuổi có khả năng truyền bệnh cho người khác ít hơn nhiều so với người lớn. Trong khi nhóm trong độ tuổi từ 10 - 19 lại có khả năng lây nhiễm cao tương đương với người trưởng thành.
Giữ khoảng cách, chia nhóm học sinh, hạn chế hoạt động tập thể
Từ những nghiên cứu trên cộng với tỉ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, nhiều nước như Anh, Mỹ, Pháp... đã dần dần mở cửa lại trường học một cách thận trọng.
Thụy Điển là một trong số ít quốc gia vẫn mở cửa trường học bất chấp dịch bệnh nhưng phân chia theo cách: Học sinh từ lớp 1 - 9 được phép tới trường còn từ lớp 10 - 12 chuyển sang học trực tuyến. Cơ quan y tế địa phương khuyến khích trẻ và giáo viên rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách khi có thể và ở nhà nếu thấy sức khỏe không ổn. Song, họ không có quy định về đeo khẩu trang.
Tại Mỹ, Cơ quan Phòng tránh và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ra thông báo khẳng định, có thể mở cửa lại trường học an toàn mà không lo ngại làm tăng tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng hoặc gây nguy hiểm tới học sinh, giáo viên. Tính đến đầu tháng 6, có hơn một nửa trường học tại Mỹ đã nối lại chương trình học toàn thời gian.
Quy định đeo khẩu trang được áp dụng tùy theo từng bang, từng quận. Sau khi CDC Mỹ thay đổi hướng dẫn và khẳng định những người đã tiêm phòng không cần phải đeo khẩu trang, một số bang tại Mỹ còn thông qua luật cấm trường học tại địa phương bắt buộc đeo khẩu trang trong phòng.
Tại Anh, trẻ em cũng được quay trở lại trường từ tháng 3 và tháng 4. Ban đầu, Anh quy định học sinh cấp 2 trở lên phải đeo khẩu trang nhưng sau đó 2 tháng, Bộ Giáo dục Anh đã khuyến cáo có thể dừng việc đeo khẩu trang trong trường học tùy theo tình hình, mức độ lây lan dịch bệnh từng thời điểm.
Tại Pháp, tính đến tháng 5, học sinh cũng bắt đầu được quay trở lại trường học.
Trong bài phân tích đăng trên ấn phẩm của tổ chức độc lập Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế số lượng học sinh mỗi lớp chỉ khoảng hơn chục em để giảm nguy cơ lây nhiễm. Cân nhắc khuyến cáo này, một số trường học đã sắp xếp thời khóa biểu dạng so le cho học sinh.
Chẳng hạn như ở Nhật, nhiều trường cấp 3 đã chia học sinh thành 2 nhóm, một nửa học sáng và số còn lại học chiều. Các lớp học thường phải mở cửa để thông thoáng gió, kể cả mùa Hè hay mùa Đông. Trong giờ ra chơi, học sinh phải hạn chế tham gia các trò chơi tập thể.
Ở một số trường bán trú, giờ ăn sẽ không còn là lúc trẻ được kê bàn thành hình tròn, cùng trò chuyện, thay vào đó trẻ sẽ ngồi tại chỗ, ăn hết suất của mình và hạn chế giao tiếp.
Trên quy mô quốc tế, Giám đốc phụ trách giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Robert Jenkins cho biết, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm UNICEF, Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đang yêu cầu các quốc gia mở cửa lại trường học một cách an toàn, sớm nhất có thể.
Ông Robert Jenkins, Giám đốc phụ trách giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, các cơ quan của Liên Hợp Quốc bắt đầu hợp tác xây dựng một khuôn khổ về cách thức mở cửa lại trường học từ tháng 6/2021. Liên Hợp Quốc cũng đã chủ động hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là đưa trẻ em được trở lại môi trường học tập hiệu quả nhất.
Theo trang thông tin nghiên cứu khoa học Nature, tính đến cuối tháng 6/2021, có 770 triệu trẻ em chưa được tới trường học vì dịch bệnh. Hơn 150 triệu trẻ em ở 19 quốc gia đang học trực tuyến hoặc phải tạm dừng hẳn việc học. Ước tính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho thấy, có khoảng 24 triệu trẻ em phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận