Thế giới giao thông

Nhiều nước tính bỏ hoàn toàn biển báo, đèn tín hiệu

08/01/2017, 15:05
image

Hạ tầng giao thông thế giới ngày càng tinh vi và hiện đại nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tắc nghẽn và TNGT.

Bohmte Duc

Một ngã tư không biển báo, đèn tín hiệu tại Bohmte, Đức.

Hạ tầng giao thông thế giới ngày càng tinh vi và hiện đại nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tắc nghẽn và TNGT. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia tham vấn phương án “gây sốc”, xóa bỏ hoàn toàn biển báo và đèn tín hiệu.

Biển báo quá thừa thãi

Đề xuất gây sốc trên do Viện Nghiên cứu các vấn đề kinh tế (IEA) - cơ quan nghiên cứu phát triển và ảnh hưởng của hệ thống quản lý giao thông tại Anh đưa ra trong báo cáo có tựa đề Kiểm soát giao thông và vấn đề kinh tế. Trong báo cáo, Viện này kiến nghị Chính phủ loại bỏ 80% đèn tín hiệu giao thông tại nước này để hạn chế tắc nghẽn và thúc đẩy phát triển kinh tế, theo Telegraph.

Báo cáo chỉ ra số lượng đèn tín hiệu giao thông tại Anh tăng 25% trong 16 năm qua. Nhưng, trong cùng kỳ, lưu lượng giao thông chỉ tăng 5% trong khi chiều dài hệ thống đường chỉ tăng 1,3%. IEA cho rằng, phần lớn đèn tín hiệu giao thông không chỉ vô dụng mà còn làm ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế và gây mất an toàn đường bộ cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các xe đi chậm 2 phút sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại 16 tỉ bảng Anh/năm, tương đương 1% GDP nước Anh, báo cáo của IEA cho biết. Ngoài ra, đèn tín hiệu khiến phương tiện tăng tiêu thụ nhiên liệu vì tài xế buộc phải giảm tốc độ rồi lại tăng ga liên tục, làm tăng khí thải, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Tiến sĩ Richard Wellings, người đứng đầu ngành Giao thông tại IEA cho biết: “Bao lâu nay, các nhà hoạch định chính sách mắc sai lầm khi phân tích về chi phí - lợi ích trong hàng loạt quy định bao gồm đèn tín hiệu, camera tốc độ, làn xe buýt khiến cuộc sống của các tài xế trên toàn quốc thêm mệt mỏi”. Vì vậy, IEA đề xuất Chính phủ cân nhắc việc áp dụng phương án “chia sẻ không gian” để quản lý giao thông.

“Chia sẻ không gian”

“Chia sẻ không gian” là ý tưởng do nhà hoạch định giao thông Hà Lan Hans Monderman đưa ra. Theo đó, giới chức phải loại bỏ hoàn toàn các phương pháp quản lý giao thông truyền thống như đèn tín hiệu, biển báo đường bộ và cột mốc, thậm chí còn san bằng cả lòng đường và vỉa hè, không phân biệt đường nào dành cho xe nào.

Không chỉ vậy, phương án này khuyến khích mở rộng các vườn chơi dành cho trẻ em để tăng ý thức cẩn trọng của người tham gia giao thông. Giao thông hoàn toàn dựa trên tinh thần và ý thức của người tham gia. Phương án này vốn được thực hiện thử nghiệm tại nhiều nơi ở châu Âu như huyện Cheshire, thị trấn Poynton (Anh); đô thị Bohmte (Đức)... Theo IEA, phương án này đã giúp cải thiện lưu lượng giao thông và giảm mạnh TNGT.

Về lý thuyết, phương án “chia sẻ không gian” có vẻ “đầy rẫy nguy hiểm”. Nhưng trên thực tế, khi áp dụng, các chuyên gia nhận thấy, tài xế tham gia giao thông đã cẩn trọng hơn, hạn chế tốc độ và giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng.

Chẳng hạn, tại thị trấn Drachten (Hà Lan) sau hai năm áp dụng, tính đến năm 2015, tỉ lệ tai nạn tại một ngã tư giảm xuống còn 1% và không có vụ tai nạn nào nghiêm trọng; trong khi 8 năm trước khi áp dụng, tỉ lệ tai nạn ở mức 10%.

Chứng kiến thành công của Drachten, đô thị Bohmte (Đức) bắt đầu thử nghiệm phương án này từ năm 2008 với trên 13.000 lái xe thường xuyên qua lại khu vực này. Theo đó, Bohmte loại bỏ tất cả đèn tín hiệu, biển báo bao gồm cả các biển báo chỉ dẫn tài xế nhường đường hay dừng lại, chỉ giữ lại 2 quy định: Không đi quá tốc độ gần 50km/h và mọi người đều có quyền đi lại dù đó là ô tô, xe đạp hay đơn giản là xe đẩy, theo Daily Mail.

Hiện nay, thị trấn Portishead (Anh) đã bỏ hoàn toàn đèn tín hiệu tại ngã tư bận rộn của thị trấn sau khi áp dụng thử nghiệm vào năm 2009 và nhận thấy thành công khi thời gian hành trình tăng 50%. Nghiên cứu do Đại học West England (Anh) cho thấy, việc áp dụng phương án “chia sẻ đường” tại thị trấn Ashford, hạt Kent (Anh) giúp 80% số người đi bộ cảm thấy an toàn hơn khi đi qua các ngã tư so với trước khi áp dụng.

Dù vậy, giới chức các nước đều có vẻ rụt rè trước việc mở rộng mô hình này. Điển hình, cơ quan đường bộ Anh (TfL) cho biết, chưa có kế hoạch mở rộng khu vực “chia sẻ không gian”. “Kết quả thử nghiệm khá tích cực. Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao các khu vực này để đánh giá tác động dài hạn. Qua đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu đến việc nhân rộng mô hình này trong tương lai. Tuy nhiên, bây giờ thì chưa”, ông Alan Bristow, Giám đốc Phòng Quản lý không gian đường bộ Anh cho biết.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.