Trạm sạc xe điện bên đường tại Oslo, Na Uy |
Xác định phương tiện chạy bằng năng lượng điện/lai điện là xu hướng giao thông mới trong tương lai, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có chính sách khuyến khích người mua và sử dụng xe điện như: Trung Quốc, Mỹ, Na Uy, Pháp, Bỉ... Tuy nhiên, vài năm gần đây, những chính sách này bắt đầu thay đổi theo chiều hướng có chọn lọc hơn.
Trợ cấp giá, miễn thuế, phí
Nói đến thị trường lớn nhất của xe năng lượng mới, không thể không kể đến Na Uy. Tính đến đầu năm nay, Na Uy chứng kiến doanh số xe bán ra thị trường kỷ lục, trong đó 52% tổng số phương tiện bán ra là xe điện, tăng mạnh so với mức 40% trong năm 2016, theo thống kê từ Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV).
Trong tương lai, nước này đặt mục tiêu toàn bộ xe mới bán ra tính đến năm 2025 phải là xe không phát thải. Để đạt được bước tiến này, trong nhiều năm qua, Na Uy đã đưa ra rất nhiều trợ cấp và chương trình khuyến khích người mua xe ô tô điện. Ví dụ, miễn gần như tất cả các loại thuế, miễn thu các loại phí trong thành phố, miễn phí đỗ xe, miễn phí sạc, miễn phí đi qua phà hoặc hầm với giá trị ước tính lên tới hàng nghìn USD/năm...
Người phát ngôn Tập đoàn BMW cho biết: “Chúng tôi coi Na Uy là mô hình chuẩn về việc khuyến khích xe điện thông qua hỗ trợ thông minh. Con số kinh doanh chắc chắn sẽ khác nếu những chương trình trợ cấp như thế này bị sụt giảm”.
Ngoài Na Uy, một số “ví dụ hay” khác về chính sách khuấy động nhu cầu xe điện là: Anh, California, Hà Lan, Trung Quốc... với những chính sách trợ giá, giảm thuế tương tự. Chính phủ Anh cam kết chi 290 triệu bảng Anh thúc đẩy ngành công nghiệp phương tiện sạch.
Anh sẽ trợ cấp khoảng 35% trong tổng giá trị ô tô (tối đa là 4.500 bảng Anh tùy loại phương tiện) và 20% giá trị ô tô tải (lên tới 8.000 bảng Anh). Xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ được miễn hoàn toàn thuế đường bộ hàng năm. Với ưu đãi này, giá xe điện có thể thấp hơn xe ô tô thường...
Phân hóa đối tượng hưởng trợ cấp
Tuy nhiên, 1 - 2 năm gần đây, một số nước bắt đầu cân nhắc lại việc trợ giá để hạn chế tối đa lạm chi gây thất thoát ngân sách và không hiệu quả. Điển hình, Chính phủ Na Uy đang cân nhắc giảm trợ cấp vì nhiều chỉ trích cho rằng, chính sách này cho phép người giàu mua xe điện hạng sang với giá rẻ và làm gia tăng ô nhiễm trong Thủ đô Oslo.
Cuối năm 2017, các quan chức cánh hữu Na Uy đã đề xuất lên Quốc hội một dự luật được báo chí trong nước gọi tắt là “Thuế Tesla”, hướng tới cắt giảm trợ cấp với các xe thể thao đa dụng hạng sang, chạy bằng điện như Model X của Tesla.
Trong đó, họ đề xuất thay đổi miễn thuế đăng ký phương tiện và giảm thuế cho các công ty sản xuất ô tô, dự tính sẽ đẩy giá của dòng Tesla Model X lên 70 nghìn crowns Na Uy (tương đương 8.850 USD).
Bộ trưởng Tài chính Na Uy Siv Jensen cho rằng, các phương tiện xe điện cũng gây tổn hại tới đường bộ tương tự như xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nên cũng cần phải tăng đóng góp thuế. Song, phe cánh trung - tả phản đối “thuế Tesla” vì cho rằng, ngân sách trợ cấp cho xe điện đã được Na Uy thông qua đến năm 2020.
Một ví dụ khác đó là Trung Quốc vốn được biết là đất nước rất mạnh tay với trợ cấp xe điện nhưng thời gian gần đây, Bắc Kinh bắt đầu thay đổi chiến lược. Đó là tăng cường trợ cấp đối với các phương tiện chạy bằng điện có tầm km/lần sạc dài hơn, đồng thời nâng rào cản về kiểm duyệt chất lượng loại xe được nhận trợ cấp.
Cụ thể, trợ cấp Chính phủ Trung ương cho xe điện 400km/lần sạc trở lên sẽ tăng từ 44 nghìn nhân dân tệ lên 50 nghìn nhân dân tệ (tương đương 7.900 USD). Tuy nhiên, họ cũng nâng điều kiện được hưởng trợ cấp, đó là chỉ áp dụng với các phương tiện có thể chạy ít nhất 150km/lần sạc trở lên thay vì chỉ 100km/lần sạc như trước.
Mặt khác, chỉ xe điện có mật độ năng lượng pin trên 105 watts/h/kg mới được nhận trợ cấp theo quy định mới. Ngưỡng này đã tăng so với mức 90 watts/h/kg. Quy định mới, có hiệu lực vào ngày 12/2 cũng cắt giảm chi phí trợ cấp theo nhiều mức độ đối với những xe ô tô chạy chưa đến 300km/lần sạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận