An toàn, nhanh chóng
Năm 1974, châu Âu gặp khủng hoảng xăng dầu. Việc phụ thuộc vào năng lượng đe dọa khả năng di chuyển nội khối, vì vậy một số quốc gia thành viên đã quyết định phát triển đường sắt cao tốc.
Đây được đánh giá là một phương thức vận chuyển an toàn, nhanh chóng, thân thiện với môi trường.
Nhà ga King Cross London. Ảnh: Getty.
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên khánh thành một tuyến đường sắt cao tốc. Tuyến từ Florence và Rome mở cửa vào năm 1977. Ngay sau đó, Pháp khánh thành tuyến “Trains à Grande Vitesse”.
Tại Đức, vào đầu những năm 1990 cũng khai trương các tuyến đường cao tốc đầu tiên, trong khi tuyến đường cao tốc “Alta Velocidad Española” (AVE) của Tây Ban Nha bắt đầu hoạt động vào năm 1992.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Built Enviroment, nhìn lại những kinh nghiệm đa dạng phát triển đường sắt cao tốc ở châu Âu cho thấy vị trí của các trạm đường sắt cao tốc gần trung tâm thành phố thường mang lại nhiều hiệu quả hơn.
Khi đó, nó sẽ được tích hợp tốt hơn với các chiến lược tái phát triển đô thị, hình thái đô thị và mạng lưới giao thông đô thị so với các ga xa trung tâm thành phố.
Theo tờ Le Monde, các trạm đường sắt cao tốc bên ngoài trung tâm thành phố sẽ cần một quá trình lâu dài để chuyển đổi, trong khi các nhà ga nằm gần trung tâm thành phố sẽ dễ dàng phục vụ đông đảo hành khách hơn. Hai ví dụ điển hình cho mô hình này là London và Paris.
St Pancr as và King’s Cross ở khu vực trung tâm là hai ga đầu cuối của hệ thống đường sắt cao tốc Eurostar International HSR Services ở trung tâm London. Còn ga London Stratford nằm ở ngoại ô kết nối với dịch vụ tàu hỏa thông thường đi qua các khu vực bên ngoài London và kết nối trực tiếp với vùng phía Bắc nước Anh.
Còn tại Paris, có một số ga đầu cuối ở khu vực trung tâm vừa kết nối các điểm đến khắp thủ đô nước Pháp, vừa liên kết với khu vực ngoại ô như Gare du Nord và Gare du Lyon.
Chẳng hạn, ga Charles-du-Gaulle được xây dựng năm 1993 để kết nối vùng trung tâm Paris và các thành phố lân cận.
Vai trò lớn trong quy hoạch
Nhà ga ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons.
Hiện nay, một nhà ga thường đảm nhiệm nhiều chức năng trong một thành phố. Đầu tiên, nhà ga là một phần của mạng lưới giao thông kết nối các khu vực.
Trong mạng lưới này, nhà ga tàu cao tốc thường nằm tại một trong những vị trí quan trọng nhất và có giao cắt với nhiều loại hình phương tiện khác.
Bên cạnh đó, các nhà ga cũng là một phần trong quy hoạch kiến trúc tổng thể của thành phố. Các khu vực phát triển ga tàu cao tốc thường là những nơi có nhu cầu đi lại cao và việc phát triển các nhà ga tại đây có thể giảm tải tắc nghẽn.
Với lối kiến trúc công phu, dù là mang phong cách lịch sử, hiện đại hay tương lai, những nhà ga này thường được bao quanh bởi các trung tâm thương mại và khu dịch vụ năng động. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều nhà ga còn kết nối thẳng ra sân bay.
Không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, các nhà ga này còn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như người dân địa phương. Đồng thời, có thể cung cấp thêm một số loại dịch vụ để hút khách, tăng giá trị như các tiện ích mua sắm, cho thuê xe, nhà hàng và trung tâm thương mại.
Sự xuất hiện của đường sắt cao tốc cũng là yếu tố quyết định để chính quyền thực hiện các dự án đô thị lớn xung quanh nhà ga, quy hoạch bất động sản, tạo ra nhiều không gian văn phòng, cửa hàng, nhà ở và dịch vụ.
Để chào đón những hành khách đang chờ đợi hoặc nối chuyến, các nhà ga thường bố trí các phòng chờ lớn để tổ chức các buổi hòa nhạc, triển lãm hoặc sự kiện thương mại.
Tại thủ đô Nhật Bản, ga tàu cao tốc Tokyo nằm ngay trong khu thương mại Marunouchi, phía đông của cung điện hoàng gia, hiện là ga lớn nhất và đông đúc nhất trên toàn Nhật Bản.
Mỗi ngày, ga tàu này phục vụ hơn 450.000 hành khách và đón khoảng 4.000 chuyến tàu. Nằm trong mạng lưới đường sắt tốc độ cao Shinkansen, nhà ga Tokyo kết nối trực tiếp thủ đô với nhiều điểm đến nổi tiếng như Kyoto, Osaka, Nagoya và Hiroshima. Nhà ga này cũng được kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Narita.
Xu hướng kết nối các điểm du lịch
Chính phủ Anh cũng đang xây dựng nhà ga cao tốc Birmingham Curzon ngay tại địa điểm của nhà ga cũ từ thế kỷ 19.
Công trình này không chỉ hướng đến đưa nhà ga trở thành trung tâm của mạng lưới cao tốc khu vực West Midlands, mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch khi kết hợp khu nhà ga mới cùng tòa nhà cũ, vốn đang được bảo tồn.
Italy đang có kế hoạch mở một tuyến đường sắt cao tốc nối giữa Rome và thành phố cổ Pompeii nhằm tăng cường du lịch đến địa điểm khảo cổ nổi tiếng và các điểm đến khác dọc theo một trong những bờ biển đẹp nhất của nước này.
Dự án này trị giá 35 triệu euro và bao gồm việc xây dựng một nhà ga và trung tâm kết nối giao thông mới ở liền kề với địa điểm khảo cổ Pompeii.
Tại di sản này, năm 2022 đã có gần ba triệu người ghé thăm. Nhà ga này sẽ là một điểm dừng mới trên tuyến tàu cao tốc hiện có nối Rome với Napoli và Salerno. Du khách từ sân bay Fiumicino của Rome có thể trực tiếp đến với Pompeii.
Israel tháng 12 năm ngoái cũng công bố kế hoạch mở rộng tuyến tàu cao tốc từ Tel Aviv tới thành phố lịch sử Jerusalem qua việc xây thêm hai nhà ga tại trung tâm Jerusalem. Hai nhà ga mới dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2024 và đi vào hoạt động năm 2030.
Có thể thấy việc xây dựng các nhà ga cao tốc ở trung tâm, mở mang các tuyến đường và nhà ga nối từ khu vực trung tâm tới thẳng các di sản đang được nhiều quốc gia phát triển, thực hiện để tận dụng tối đa hiệu quả của các tuyến đường sắt cao tốc.
Trong cuốn sách Highspeedworld (Thế giới đường sắt cao tốc), tác giả Marie-Pascale Rauzier – nhà sử học, từng có nhiều tác phẩm nghiên cứu về đường sắt nhận định, với sự ra đời của đường sắt tốc độ cao, nhà ga - mắt xích thiết yếu trong chuỗi cơ sở hạ tầng đường sắt và kết nối cơ động đang dần trở thành một biểu tượng và cửa ngõ vào một vùng đất.
Nhờ có sự phát triển của một thế hệ mới các nhà ga đường sắt cao tốc cực kỳ hiện đại, đi cùng với sự phát triển của giao thông vận tải tốc độ cao, chúng đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nhiều thành phố trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận